Tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ có lượng giãn nước khoảng 45.000 tấn.
Tuần trước, Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận không quân trên biển Hoàng Hải, với sự tham gia của oanh tạc cơ chiến lược B-1B.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Mỹ “khiêu khích” khi Washington thường xuyên điều động các đơn vị hải quân và không quân hiện diện gần Trung Quốc với mục đích “kiềm chế và có hành động gây áp lực".
Kim Hyun-wook, giáo sư tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, nhận định rằng, "với động thái quân sự mới, Mỹ đang thể hiện cam kết kiềm chế Trung Quốc và Triều Tiên".
“Tình hình hiện nay rõ ràng cho thấy ưu thế của Mỹ so với Trung Quốc”, ông Kim nói. Tháng trước, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhất trí tổ chức các cuộc tập trận chung thường xuyên.
Choo Jae-woo, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Kyung Hee ở Seoul, cho biết sự hiện diện của tàu tấn công đổ bộ USS America ở biển Hoàng Hải là dấu hiệu đáng quan tâm.
“Đó có thể là dấu hiệu cho thấy các cuộc tập trận hải quân và không quân chung giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục được tăng cường”, ông Choo nói thêm.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, Mỹ đang củng cố liên minh với Hàn Quốc và Nhật Bản trước các thách thức đến từ Triều Tiên.
"Đây cũng có thể là cách để Mỹ thúc đẩy Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên", Kang Jun-young, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Hàn Quốc, nhận định.
Collin Koh, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nói biển Hoàng Hải từ lâu đã là khu vực an toàn đối với Bắc Kinh, do vị trí địa lý và mức độ giao thông hàng hải tương đối thấp.
“Về cơ bản, biển Hoàng Hải chỉ có Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc chia sẻ không gian chung. Trong số các nước này, Trung Quốc là quốc gia ven biển lớn nhất”, ông Koh nói. "Việc các tàu chiến nước ngoài tập trận trên biển Hoàng Hải không phải là điều thường xuyên xảy ra. Đây có thể là lời nhắc nhở rằng Mỹ có thể mở rộng sự hiện diện quân sự trên ở các vùng biển gần Trung Quốc”.