Chưa kể, rất nhiều thứ phải chuẩn bị để theo kịp cải cách như sửa đổi chương trình giáo dục, đào tạo lại giáo viên... Những điều này đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn nhân lực.
Liên đoàn Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, đại diện cho khoảng 130 nghìn giáo viên, cho rằng chính phủ “không tính toán đến các đặc điểm phát triển của trẻ trong thời thơ ấu”. Trên thực tế, trong quá khứ, đã có nhiều kiến nghị giảm độ tuổi học tiểu học nhưng tất cả đều thất bại.
Còn Hiệp hội Các trường mẫu giáo tư thục phản ánh chính phủ đưa ra thông báo đột ngột mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào với các đối tượng liên quan như phụ huynh, giáo viên hoặc tiến hành nghiên cứu về tính khả thi của đề xuất. Hiện nay, trẻ 5 tuổi chiếm 40 – 50% tổng số trẻ học mẫu giáo. Nếu trẻ em Hàn Quốc học tiểu học sớm, các trường mẫu giáo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính.
Theo tổ chức giáo dục EAG thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), độ tuổi lý tưởng để bắt đầu đi học ở các quốc gia là khác nhau. Tính đến năm 2019, 26 trong số 38 quốc gia thành viên OECD quy định độ tuổi trẻ vào lớp 1 là 6 tuổi.
Trong khi, tại 8 quốc gia như Phần Lan, Estonia, trẻ em đi học từ năm 7 tuổi. Một số quốc gia như Ireland, Vương quốc Anh cho phép trẻ từ 4 tuổi học tiểu học.