Trong khi đó, đối với dự án Giao lộ Ngã tư Phú Thứ, TTCP cho rằng, dự án này khảo sát kém chất lượng nên phát sinh khối lượng làm tăng chi phí xây dựng sau thuế số tiền là 2,26 tỷ đồng. Chất lượng của công tác khảo sát chưa đảm bảo, dẫn đến quá trình thi công phải bổ sung thiết kế, làm phát sinh chi phí xây dựng, công tác thiết kế còn nhiều hạn chế, dẫn đến phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế nhiều phần trong quá trình thi công.
Theo TTCP, công tác lập, thẩm định thiết kế bản vẽ - dự toán còn nhiều hạn chế dẫn đến làm tăng dự toán hơn 29,7 tỷ đồng. Việc phân chia gói thầu chưa hợp lý về quy mô, tính chất kỹ thuật, một số dự án phân chia gói thầu chưa đảm bảo nguyên tắc quy định. Nhiều gói thầu đã xác định được chính xác khối lượng nhưng lựa chọn hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định là không phù hợp pháp luật.
Công tác lập và giao kế hoạch vốn đầu tư công không đảm bảo thời hạn theo quy định, thời gian bố trí vốn để hoàn thành dự án trong trong kế hoạch vốn trung hạn vượt quá thời gian bố trí vốn tối đa. Cá biệt, tỉnh chủ trương và thực hiện đầu tư Xây dựng dự án đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và Tây Ninh khi dự án chưa có trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, chưa có kế hoạch vốn hằng năm và không có trong quy hoạch ngành giao thông.
Một số gói thầu xây lắp có giá gói thầy không bao gồm chi phí dự phòng, chỉ định thầu không đúng quy định của pháp luật. Một số hồ sơ mời thầu (HSMT) nên nhãn hiệu của vật liệu vật tư và một số dự thầu không kê khai rõ xuất xứ, nhãn hiệu của vật tư thiết bị là không đúng pháp luật. Đáng chú ý, nhiều công trình được khởi công khi chưa có mặt bằng thi công, một số dự án thực hiện không đảm bảo tiến độ, không có lý do khách quan nhưng đều được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho gia hạn hợp đồng nhiều lần, không thực hiện chế tài phạt vi phạm.
Công tác quản lý đất đai lỏng lẻo
Theo TTCP, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng của UBND các huyện, thị, thành tại Bình Dương lỏng léo, để xảy ra tình trạng phân lô, tách thừa tự phát, xây dựng trái phép.
Do thời gian thanh tra ngắn, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Bình Dương khẩn trương có biện pháp chấm dứt ngay việc phân lô, tách thửa tự phát, xây dựng trái phép, sử dụng đất trái quy định. Thực hiện thanh tra toàn diện việc phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện cho Thanh tra Chính phủ.
Không những vậy, trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn có tình trạng dự án phát triển nhà ở thương mại chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng hoặc huy động vốn nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau.
Trong thời kỳ thanh tra, TTCP cũng chỉ ra, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang mục đích khác khi chủ đầu tư chưa lập phương án trồng rừng thay thế là chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước đối với dự án "Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thu bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng" xảy ra nhiều vi phạm trong quá trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, vi phạm trong thực hiện dự án là trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Dương, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…
TTCP kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011-2019 chịu trách nhiệm chung trong chỉ đạo điều hành; Giám đốc Sở TN&MT; Giám đốc Sở NN&PTNT; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở KH&ĐT; Cục trưởng Cục thuế và Chủ tịch UBND các đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm chính đối với các vi phạm, thiếu sót nêu trên.