Hàng nghìn sinh viên sư phạm Tuyên Quang mong mỏi nhận hỗ trợ theo Nghị định 116

Hoàng Hải (TTXVN) {Ngày xuất bản}

Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) chính thức được triển khai từ năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, có tới 1.859 sinh viên học các ngành sư phạm của Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) vẫn mong ngóng, chờ đợi được nhận kinh phí hỗ trợ, dù trước đó đã đăng ký.

Chú thích ảnh
Một góc trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: TTXVN phát

Mong ngóngvàchờ đợi

Năm 2021, em Vàng Thị Sy (dân tộc Mông, ở thôn Thín Ngài, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) trúng tuyển Khoa sư phạm - Ngành giáo dục mầm non hệ đại học của trường Đại học Tân Trào. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lại đông anh em nên sau khi tìm hiểu Nghị định 116, Sy đã đăng ký nhận hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay đã là năm học thứ 4 nhưng em chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào theo nghị định trên.

Em Vàng Thị Sy chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, bố mẹ không thể hỗ trợ về kinh tế. Các thầy, cô giáo đã liên hệ giúp chúng em tìm việc làm thêm ngoài giờ học để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt và yên tâm học tập".

Cùng chung hoàn cảnh như em Sy, em Giàng Thị Xay (ở tổ 2, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cũng đang mong mỏi nhận được các khoản hỗ trợ kinh phí từ Nghị định 116 để giúp em và gia đình giảm bớt gánh nặng về kinh tế. Từ đó, giảm được việc phải đi làm thêm, có nhiều thời gian học tập.

Một nội dung đáng chú ý của Nghị định 116 là sinh viên theo học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy (gọi chung là sinh viên sư phạm) nếu đăng ký thụ hưởng sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi theo học. Mức hỗ trợ là3,63 triệu đồng/tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Thời gian hỗ trợ tiền học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Để hưởng khoản hỗ trợ này, sinh viên phải làm đơn đề nghị và cam kết bồi hoàn nếu không công tác trong ngành giáo dục tối thiểu 2 năm sau tốt nghiệp.

Nghị định 116được ban hành thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước đối với người dân và ngành giáo dục đào tạo. Chính sách này đã giúp cho ngành giáo dục đào tạo nói chung và các cơ sở đào tạo giáo viên nói riêng trên cả nước có sự thay đổi rất tích cực. Đơn cử như điểm thi vào các cơ sở đào tạo giáo viên tăng cao, chất lượng đầu vào được nâng lên, thu hút được nhiều học sinh giỏi theo học ngành sư phạm, giúp địa phương có đội ngũ giáo viên tốt trong tương lai.

Tuy nhiên, từ năm học 2021 - 2022đến nay, hàng nghìn sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu) của trường Đại học Tân Trào vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ. Nguyên nhân là do việc triển khai thực hiện Nghị định số 116 gặp nhiều vướng mắc, nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí, việc lập dự toán để hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội, ảnh hưởng không nhỏ tớiquá trình học tập.

Ai chịu trách nhiệm?

Chú thích ảnh
Một giờ học của sinh viên Khoa Sư phạm, trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang). Ảnh: TTXVN phát

Tiến sĩ Trần Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý sinh viên, trường Đại học Tân Trào cho biết, sinh viên của trường phần lớn là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Trong quá trình học tập tại trường, mặc dù chưa nhận được kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 116, nhưng nhà trường đã hỗ trợ các em chỗ ở ký túc xá miễn phí, hỗ trợ kinh phí sử dụng điện, nước. Để giúp các em có chi phí sinh hoạt, nhà trường đã liên hệ với các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng nhân viên làm việc bán thời gian, phù hợp với quỹ thời gian học tập, giúp các em khoản thu nhập nhất định để trang trải cuộc sống. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và nhà trường, đến nay chưa có sinh viên sư phạm nào của trường phải nghỉ học vì lý do thiếu kinh phí.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của UBND tỉnh Tuyên Quang, các sở, ngành liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, cấp kinh phí đào tạo cho trường cùng sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giúp đơn vị xác định được chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm.

Tiến sĩ Trần Quang Huy chia sẻ, Tuyên Quang hiện chỉ có duy nhất trường Đại học Tân Trào là cơ sở đào tạo giáo viên. Những năm qua, nhà trường đã thu hút đông đảo sinh viên trong và ngoài tỉnh học ngành sư phạm theo nhu cầu xã hội.

Năm 2021, trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm là 1.003 chỉ tiêu; năm 2022 là 2.303 chỉ tiêu; năm 2023 là 920 chỉ tiêu; năm 2024 là 860 chỉ tiêu. Sinh viên sư phạm của trường thuộc đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội mà không có sinh viên thuộc diện giao nhiệm vụ, đặt hàng. Hằng năm, trường đều có văn bản đề nghị cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116, nhưng vẫn chưa được thực hiện. Theo thống kê, đến hết năm 2023, tổng nhu cầu kinh phí cần cấp bù học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên từ năm học 2021 - 2022 là hơn 126,4 tỷ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ tiền học phí là hơn 26,6 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí là hơn 99,8 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Sinh viên khoa sư phạm trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) tranh thủ thời gian ôn bài. Ảnh: TTXVN phát

Để giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116, ngày 1/8/2024, tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản số 3438/UBND-THVX, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương ký, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo những khó khăn, vướng mắc của địa phương. Theo đó, UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, tại khoản 1vàkhoản 3 Điều 11 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy địnhtrách nhiệm của UBNDcấp tỉnhnhư sau: Hằng năm, căn cứ thực trạng thừa thiếu giáo viên để xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên, xây dựng tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm phù hợp nhu cầu sử dụng; đồng thời, chi trả kinh phí thực hiện quyết định giao nhiệm vụ, hợp đồng đào tạo giáo viên với các cơ sở đào tạo giáo viên theo đúng định mức quy định tại Điều 4 Nghị định này.

Như vậy,Điều 11 chỉ quy định trách nhiệm của UBNDcấp tỉnh trong việc bố trí ngân sách thực hiện đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo các quyết định của địa phương, không quy định trách nhiệm của UBNDcấp tỉnh trong việc chi trả chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu). Việc địa phương bố trí kinh phí để chi trả chính sách hỗ trợ đối với đối tượng sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội sẽ trái với quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP.

Qua tìm hiểucủa phóng viên TTXVN, ngày 14/5/2022, Sở Tài chính Tuyên Quang đã có văn bản số 1133/STC-HCSN gửi Bộ Tài chính để báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn thực hiện Nghị định 116; đề nghị Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn nguồn kinh phí và việc lập dự toán để hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu). Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/giao-duc/hang-nghin-sinh-vien-su-pham-tuyen-quang-mong-moi-nhan-ho-tro-theo-nghi-dinh-116-20241107171650225.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/giao-duc/hang-nghin-sinh-vien-su-pham-tuyen-quang-mong-moi-nhan-ho-tro-theo-nghi-dinh-116-20241107171650225.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng nghìn sinh viên sư phạm Tuyên Quang mong mỏi nhận hỗ trợ theo Nghị định 116