Thực tế, các địa phương mới triển khai được hơn một tháng và đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Thời gian tới, nhiều dự án sẽ tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật như tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan.
Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục làm việc một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng.
Liên quan đến việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Xuân Bắc cho biết, đây là nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định rất rõ nội dung chính về lãi suất, thời gian ưu đãi để đảm bảo triển khai thống nhất cho các ngân hàng thương mại và khách hàng thuộc đối tượng vay vốn bắt đầu từ ngày 1/4. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gói tín dụng này chưa phát sinh dư nợ.
Giới chuyên gia đánh giá, với việc Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất 8,2%/năm đối với khách hàng cá nhân vẫn là quá cao so với khả năng chi trả người mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, do gói 120.000 tỷ đồng là vốn của ngân hàng thương mại, không phải vốn ngân sách nên không thể bắt các ngân hàng phải chịu lỗ hay bù lỗ khi cho vay gói tín dụng này.
Vì vậy, để tăng khả năng hấp thụ của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, giúp mục tiêu nhà ở xã hội, về đích, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung, dài hạn để đưa ra gói tín dụng có lãi suất phù hợp, có thể là 6%/năm và phải ổn định trong thời gian dài, để người dân dễ dàng tiếp cận được nhà ở, nếu không có cách tiếp cận bằng chính sách đặc thù, nổi trội sẽ không thể làm được.