Thực tế, 90 lô đất chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng gần 3.000 lô đất được Bắc Giang mang ra đấu giá. Do đó, đây có thể nói chỉ là những trường hợp hy hữu.
Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch, các huyện có những lô bỏ cọc sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá để tăng thu tiền sử dụng đất.
Được biết, đây không phải là lần đầu xảy ra chuyện bỏ cọc trong việc đấu giá đất ở Bắc Giang. Trước đó, trong hai năm (2020-2021), trên địa bàn tỉnh tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, trong đó số lô đấu thành công là 7.720, số lô bỏ cọc là 1.471.
Thị trường bất động sản hạ nhiệt, giao dịch chuyển nhượng không còn sôi động khí các phiên đấu giá rơi vào cảnh "chợ chiều"
Tương tự, tháng 5/2022, UBND huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) cũng đã có quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá 73 lô đất và thu nộp ngân sách nhà nước 15,7 tỷ đồng tiền đặt cọc của khách hàng, vì đến thời hạn nộp tiền mua đất theo quy định, các nhà đầu tư đã không nộp hoặc nộp không đủ số tiền trúng đấu giá.
Do đó, UBND huyện Diễn Châu đã quyết định hủy bỏ kết quả trúng đấu giá đất đối với 73 lô đất kể trên, đồng thời thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá.
Đáng chú ý, trong số khách hàng tham gia đấu giá và nộp tiền có ông N.T.N. (trú Hà Nội) trúng đấu giá 19/28 lô đất tại vùng quy hoạch Rộc Thum Bắc (xã Diễn Phúc). Việc bỏ cọc đồng nghĩa với việc người đàn ông này mất 7,3 tỷ đồng tiền đặt cọc đã nộp trước đó.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, có tới 28 lô đất được chính quyền địa phương tổ chức đấu giá 2 lần nhưng bất thành.
Sau đó, ngày 14/11, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết cơ quan này đã ra thông báo về việc giao đất không thông qua đấu giá đối với 28 lô đất đấu giá. Tuy nhiên vẫn không có người tham gia mua các lô đất này.
Những lô đất này nằm tại các xã, phường thuộc thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), tổng diện tích hơn 5.800m2, có giá hơn 60 tỷ đồng. Trong đó, lô có giá thấp nhất là 1,2 tỷ đồng, với diện tích 200m2, cao nhất là 7,2 tỷ đồng, diện tích 353m2.
Sở dĩ 28 lô đất này phải giao không thông qua đấu giá vì qua 2 lần tổ chức đấu giá không có người tham gia. Trường hợp đất được bán ngang giá vẫn không có ai mua thì phải hết năm 2023 tỉnh Quảng Bình mới tính phương án là có tiếp tục giảm hay không.
Theo nhận định của một số môi giới bất động sản ở Quảng Bình, việc chính quyền địa phương tổ chức đấu giá nhiều lần, bán ngang giá các lô đất cũng không ai mua là do áp giá ngang với thời điểm thị trường bất động sản sôi động.
Còn theo giới chuyên gia, một trong số nguyên nhân khiến khách hàng bỏ cọc do thị trường bất động sản hạ nhiệt, giao dịch chuyển nhượng không còn sôi động. Cùng với đó, nhiều người tham gia đấu giá đất không có nhu cầu đất ở thực sự mà chỉ nhằm mục đích “lướt sóng” kiếm lời, hoặc để “thổi giá” những lô đất đã mua gần đó. Khi không bán nhanh được, họ chấp nhận bỏ tiền đặt cọc.