Hành động của bố với con gái khiến nhiều bậc cha mẹ phẫn nộ: Tương lai đứa trẻ sẽ ra sao?

Hiểu Đan, | 02/09/2023, 19:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cuộc sống được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt, và tình yêu thương hay sự xa lánh của một đứa trẻ đối với cha mẹ cũng được tích lũy từ những điều nhỏ nhặt.

Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh ở Trung Quốc, nhiều người dùng đang liên tục đăng lại video một người cha đẩy con gái khoảng 6, 7 tuổi vào góc chiếc ô tô, sau đó liên tục đánh vào đầu con.

Cô bé vẫy tay cầu xin nhưng người cha chỉ thờ ơ. Ngay sau đó, em chạy thẳng ra giữa đường khóc lóc. Rất may các phương tiện trên đường không chạy nhanh, nếu không hậu quả khôn lường.

Hành động của bố với con gái khiến nhiều bậc cha mẹ phẫn nộ: Tương lai đứa trẻ sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Người cha đẩy con gái khoảng 6, 7 tuổi vào góc chiếc ô tô, sau đó liên tục đánh vào đầu con. (Ảnh cắt tử clip)

Người cha cho biết nguyên nhân là do mấy ngày qua ông gặp quá nhiều chuyện nên đã uống rượu ngày hôm đó. Con gái lại nghịch ngợm khiến ông không kiềm chế được mình. Tất nhiên, lời bào chữa này không được chấp nhận.

Nếu cha mẹ không thể kiềm chế được tính khí nóng nảy của mình thì làm sao có thể mong đợi con mình kiểm soát cảm xúc và trở thành những cô gái điềm đạm, hạnh phúc?

01. Lời nói, việc làm của cha mẹ ảnh hưởng tới cuộc đời con cái. Hãy nhớ giữ cảm xúc ổn định

Nếu chia giáo dục trẻ em thành 10 phần thì giáo dục gia đình ít nhất chiếm 5 phần, giáo dục ở trường chiếm 2 phần, giáo dục xã hội chiếm 3 phần.

Giáo dục gia đình không có nghĩa là phải dạy con bao nhiêu kiến thức mà quan trọng không kém là ảnh hưởng của cha mẹ đến việc hình thành tính cách và thói quen ứng xử của trẻ. Trong quá trình này, việc cha mẹ có ổn định về mặt tình cảm hay không đều có ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ.

Tất cả chúng ta đều nói rằng gia đình là nơi trú ẩn, nhưng nếu cha mẹ có tính khí thất thường và không giao tiếp tốt với con, tùy tiện nổi giận thì lúc này sau cánh cửa nhà chỉ là bão tố.

Khi còn nhỏ, chưa có nhiều khả năng phản kháng thì trẻ sẽ trở nên nên rụt rè, thiếu tự tin và không thích giao du. Trẻ cũng có thể âm thầm ôm giữ mọi chuyện trong lòng rồi bộc lộ sự nổi loạn, cáu kỉnh, bướng bỉnh quá mức ở tuổi thiếu niên.

Con trẻ là cá thể độc lập, điều con mong muốn nhất là sự tôn trọng và thấu hiểu. Trước tiên cha mẹ phải trở thành một người trưởng thành ổn định về mặt cảm xúc, sau đó mới giáo dục con cái.

02. Đánh và mắng không bao giờ là cách tốt nhất. Hãy nhớ rằng bạn có các lựa chọn khác

Xung quanh chúng ta thường có những bậc cha mẹ phàn nàn vì đứa trẻ ở nhà thực sự quá phiền phức. Rồi họ sẽ liệt kê từng hành vi xấu của đứa trẻ để chứng minh rằng con đáng bị trừng phạt.

Không thể phủ nhận rằng một số trẻ thực sự rất nghịch ngợm. Nhưng công bằng mà nói, đánh, mắng có thể là cách mang lại hiệu quả nhanh nhất nhưng chắc chắn không phải là cách tốt nhất. Ngoài việc để lại những tổn hại về thể chất và tâm lý cho trẻ, nó còn khiến trẻ có nhận thức rằng việc ồn ào, dùng sức là chính đáng, điều này rất có hại cho sự phát triển.

Trần Mỹ Linh, bà mẹ nổi tiếng nuôi dạy cả ba cậu con trai vào trường Đại học Stanford danh giá từng tiết lộ bí quyết nuôi dạy con cái của mình, một trong số đó là tuyệt đối cấm trừng phạt thân thể. Trong gia đình họ, nếu một đứa trẻ làm điều gì đó không nên làm, bà sẽ tiếp tục nói chuyện cho đến khi con nhận ra vấn đề.

Bà cũng đưa ra một ví dụ, khi con trai lớn lên 8 tuổi, cậu bé đã chuẩn bị rất kỹ càng cho bài kiểm tra chữ Hán ở trường. Khi người mẹ hỏi con mình điểm kiểm tra, đứa trẻ trả lời: "Chưa có". Sau đó, lúc tình cờ đóng cặp cho con, bà nhìn thấy tờ giấy kiểm tra nhàu nát ghi 70 điểm.

Trong gia đình họ, "không nói dối" là quy tắc cơ bản nhất. Thế là bà lấy tờ giấy ra và hỏi con tại sao, cậu bé giải thích rằng vì điểm thấp. Phản ứng đầu tiên của Trần Mỹ Linh là ôm con trai và hỏi: "Con không tin vào tình yêu của mẹ dành cho con sao?”.

Rồi bà cứ giải thích cho con trai rằng dù điểm ra sao thì mẹ cũng yêu con rất nhiều, không cần phải nói dối, con phải tin mẹ. Họ nói chuyện rất lâu, ôm nhau, khóc, ăn gì đó... cứ như thế suốt 8 tiếng đồng hồ! Nhờ đó, mối quan hệ giữa hai mẹ con trở nên tốt đẹp hơn, người con cả cũng không còn giấu giếm điều gì nữa.

Điều này không có nghĩa là mỗi gia đình phải giải thích dài dòng với con cái khi chúng mắc lỗi, nhưng sự kiên nhẫn này rất đáng để chúng ta tham khảo.

Trẻ em đôi khi không có cách nào kiềm chế được cảm xúc của mình và không có lựa chọn nào khác, nhưng là người lớn, chúng ta có những lựa chọn. Việc chọn đánh đập, la mắng hay để con đồng cảm với chúng ta từ trái tim thường quyết định mối quan hệ hai bên cũng như cách trẻ hành xử khi chúng gặp phải tình huống tương tự trong tương lai.

Cuộc sống được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt, và tình yêu thương hay sự xa lánh của một đứa trẻ đối với cha mẹ cũng được tích lũy từ những điều nhỏ nhặt. Một khi một số tổn thương xảy ra nếu không có sự hướng dẫn kịp thời, chúng sẽ chỉ càng đâm sâu vào trái tim trẻ.

Không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ luôn đúng, nhưng ít nhất khi nhận thức được điều đó, chúng ta nên tìm cơ hội giải thích cho con cái và bù đắp lỗi lầm của mình.

Một điều rất thực tế là con cái sẽ không ở bên chúng ta mãi mãi. Đến một thời điểm nào đó, khi những đứa trẻ trưởng thành hơn, chúng sẽ mang dấu ấn của gia đình ban đầu và đi theo con đường riêng của mình.

Con đường này dễ dàng hơn nhiều đối với những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cha mẹ yên bình về mặt cảm xúc. Họ đã nhìn ra cách xử lý cảm xúc đúng đắn và biết cách hòa hợp lành mạnh với người khác, chỉ cần lựa chọn theo bản năng là có thể tiến gần đến hạnh phúc.

Đối với những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình có cha mẹ tính tình thất thường, nóng nảy thì con đường này đầy chông gai. Họ dành nhiều thời gian để phân biệt điều gì là tốt và điều gì là xấu.

Hãy cố gắng ổn định về mặt cảm xúc và bình tĩnh, mọi nỗ lực của cha mẹ đều là mở đường cho tương lai của con cái.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành động của bố với con gái khiến nhiều bậc cha mẹ phẫn nộ: Tương lai đứa trẻ sẽ ra sao?