Với giáo dục vùng khó khăn, mong Luật Nhà giáo quan tâm hơn đến chính sách nhà giáo, đặc biệt khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Luật cần có chính sách hỗ trợ giáo viên trẻ về chỗ ở, học tập và nghiên cứu khoa học; bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và ngoài công lập về tôn vinh, cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ...
Giáo viên Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8, TPHCM) trong giờ dạy. Ảnh: Mạnh Tùng |
Lao động của giáo viên là lao động đặc thù, cực nhọc. Nó không chỉ diễn ra trên bục giảng, trường lớp, mà còn ngoài xã hội. Muốn có bài giảng hay trên lớp, giáo viên phải soạn bài, cập nhật kiến thức, bổ sung giáo án liên tục.
Ngoài việc dạy, thầy cô phải chấm bài, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, các hoạt động của nhà trường… Chưa kể, ngoài giờ dạy học, nhà giáo phải quan tâm, quản lý từng học sinh và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục các em. Với địa bàn vùng sâu, xa, miền núi, giáo viên chủ nhiệm phải đến từng nhà động viên, khuyến khích học trò đến trường.
Tuy nhiên, thu nhập của thầy cô những năm qua dù được cải thiện nhưng chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, vật giá thị trường. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần một chính sách đột phá, mạnh mẽ và căn cơ.
Để làm được điều này, Luật Nhà giáo cần đánh giá toàn diện bản chất lao động của giáo viên để xã hội nhìn nhận rõ vấn đề. Khi đã khẳng định được lao động của nghề giáo là lao động đặc thù, thì cơ chế, chính sách tiền lương, đãi ngộ cũng theo hướng đặc thù. Trên cơ sở đánh giá công sức, thời gian của giáo viên, ngành Giáo dục tính toán các mức lương, phụ cấp, đãi ngộ phù hợp.
Tôi từng được đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm GD-ĐT ở nhiều nước tiên tiến. Qua mỗi chuyến đi thực tế, bản thân có cơ hội tìm hiểu sâu về chính sách, chế độ đãi ngộ cho giáo viên.
Nhiều lần đến Thái Lan trong các chuyến đưa học sinh tiểu học thi Toán quốc tế, xem liên hoan biểu diễn trống trên sân vận động dành cho học sinh toàn quốc, thăm các cơ sở giáo dục phổ thông ở thủ đô Bangkok. Nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là chuyến công tác tại cao nguyên Chiang Mai và các tỉnh lân cận ở một dự án Quyền trẻ em trong các trường tiểu học.
Tại một ngôi trường gần biên giới không có điện, các dãy phòng học mái tôn, song hiệu trưởng được cấp xe 7 chỗ, 2 cầu. Nhờ đó, hiệu trưởng có thể vượt qua những con đường đèo dốc, đến với thầy cô và học sinh hằng tuần.
Một thầy hiệu trưởng ở đây cho biết về chính sách mà nhà nước dành cho giáo viên ra trường: Nếu tình nguyện dạy ở vùng xa đô thị với khoảng cách theo quy định, giáo viên có thể được mua một chiếc xe hơi trả chậm, miễn thuế.
Lần khác, đoàn công tác của tôi có dịp kết nối, học tập kinh nghiệm tại Học viện Giáo dục ở Singapore (nơi đào tạo giáo viên). Khi hỏi về đào tạo giáo viên và chính sách thu hút người giỏi vào ngành, được biết có thời kỳ giáo dục Singapore không thu hút được người giỏi.
Chính phủ và Bộ Giáo dục nước này đã ra nhiều chính sách để thu hút người tài, có tâm và khả năng sư phạm. Chẳng hạn, các sinh viên học năm thứ ba nếu tiếp tục học sư phạm sẽ có lương, thay vì học bổng. Theo định kỳ 5 năm, nhà trường tổ chức cho giáo viên đi nước ngoài 2 lần để trải nghiệm, học tập và trau dồi kỹ năng.
Đối với các trường, việc tổ chức giảng dạy, soạn bài chấm điểm rất khoa học. Trong từng trường, giáo viên được hưởng nhiều tiện nghi, phục vụ cho việc giảng dạy, nghiên cứu và nghỉ ngơi. Thậm chí, họ có phòng thư giãn cho giáo viên với máy nghe nhạc, ghế tựa, đồ uống… Khi ra khỏi cổng trường, giáo viên được thoải mái lo cho gia đình hoặc thư giãn, dạo chơi với bạn bè.
Theo tôi, chúng ta có thể học hỏi, áp dụng những bài học thực tế từ các nước để xây dựng Luật Nhà giáo nhằm mang lại chế độ đãi ngộ tốt nhất cho đội ngũ.
Tại Hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về Nhà giáo - Lý luận và thực tiễn”, TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục, khâu đột phá trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao - đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nhà giáo chưa thực sự được coi trọng và phát huy năng lực. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên cục bộ còn tồn tại. Chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành.