Hạnh phúc khi phim về 'Học sinh miền Nam' đoạt giải

Ngô Chuyên | 09/11/2022, 08:46
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Không chỉ có e-kip làm phim mà trong đại gia đình học sinh miền Nam cũng rất hạnh phúc khi thấy bộ phim đoạt Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục.

Phim tài liệu "Học sinh miền Nam - một thời để nhớ" - tác phẩm đoạt giải báo chí "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022, do nhóm tác giả của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM thực hiện.

Nói về bộ phim, Đạo diễn - Nhà báo Bùi Đình Dương cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng Học sinh miền Nam (HSMN) là sản phẩm vô giá của ngành Giáo dục nước nhà trong suốt gần 70 năm qua. Họ xứng đáng là những “hạt giống đỏ” đã được Đảng, Bác Hồ, thầy cô giáo và nhân dân miền Bắc cưu mang, chở che, nuôi dưỡng để trở thành nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh và họ đã làm rất tốt nhiệm vụ này.

Vì vậy, không chỉ có e-kip làm phim vui mừng mà trong đại gia đình Học sinh miền Nam cũng rất hạnh phúc khi thấy bộ phim đã đoạt giải trong cuộc thi lần này".

Theo nhà báo Bùi Đình Dương, ý tưởng xây dựng bộ phim bắt nguồn trong một lần tình cờ nhà văn cũng là cựu học sinh miền Nam, Võ Thị Ánh Tuyết tặng cho anh cuốn sách: “Học sinh miền Nam hư mà không hỏng”. Đó là những câu chuyện được gom nhặt trong ký ức về những cô cậu HSMN trên đất Bắc. Họ tinh nghịch nhưng thương yêu nhau, yêu nước vô cùng.

“Có lẽ vì thế mà sau này rất nhiều người trở thành anh hùng, những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nhân thành đạt.. Đọc xong cuốn sách, tôi không khỏi nghẹn ngào khi nghĩ về những nhân vật trong đó nên quyết định làm phim tài liệu về HSMN – một thời để nhớ”, nhà báo Đình Dương chia sẻ.

Sau đó, tham khảo Hội đồng cố vấn cũng là những cựu HSMN, nhóm tác giả tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM quyết định sản xuất tác phẩm gồm 3 tập, đi theo cấu trúc của giai đoạn lịch sử vào thời điểm đó.

Hạnh phúc khi phim về 'Học sinh miền Nam' đoạt giải ảnh 1
Đạo diễn - Nhà báo Bùi Đình Dương (hàng đầu tiên, bên phải) cùng đồng nghiệp. Ảnh NVCC.

Tập 1 có tên là Ra Đi, nói về xuất phát điểm của khái niệm HSMN: Họ là ai? Ra đi từ đâu? Vì sao họ phải ra đi tập kết? Ra đi bằng những con đường nào? Đến đâu trên đất Bắc?

Tập 2 “Hạt giống đỏ”, lấy cảm hứng từ câu nói của Bác Hồ khi nói về HSMN. Trong tập này, nhóm tác giả khai thác sâu vào câu chuyện ký ức trong 28 trường nội trú dành cho HSMN.

Họ là con em của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân miền Nam được gửi ra Bắc học tập sống trong trường nội trú HSMN từ khi chỉ 4, 5 tuổi cho đến lúc 17, 18 tuổi. Trong hơn 10 năm, họ đã phải sống xa gia đình, phải nương tựa vào thầy cô.

Ngược lại các thầy cô giáo đã coi những HSMN như con đẻ, bao dung, tha thứ, yêu thương những đứa trẻ xa nhà. Trong hoàn cảnh lúc đó miền Bắc còn vô cùng khó khăn do vừa mới hòa bình, vừa phải chi viện cho miền Nam. Nhưng bằng tình thương yêu, các thầy cô đã vượt mọi khó khăn để nuôi dạy học trò bằng lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo...

“Những câu chuyện được chúng tôi khai thác về những đêm đông giá lạnh, nỗi nhớ nhà, nhớ Tết miền Nam, nỗi đau đớn khi nghe tin người thân bị giặc sát hại... Có thể nói đây là tập chúng tôi đầu tư công phu nhất”, tác giả Đình Dương chia sẻ.

Tập 3, cũng là tập cuối cùng mang tên Trở Về. Có ra đi thì phải có trở về. HSMN đã được nuôi dạy trưởng thành trên đất Bắc và đến lúc phải trở trở về quê hương miền Nam để chiến đấu. Sau này, khi đất nước hòa bình thống nhất, họ đã góp phần xây dựng tái thiết quê hương. Lúc này vai trò trách nhiệm của “hạt giống đỏ” đã phát huy toàn diện.

“Điều đẹp, cảm động nhất của tập phim này là chúng tôi tập trung khai thác về những nghĩa cử tri ân của HSMN dành cho những thầy cô giáo và nhân dân miền Bắc – mảnh đất từng cưu mang chở che nuôi dưỡng họ trong những năm tháng khốn khó”, tác giả Đình Dương cho biết.

Sau khi kịch bản phim được lãnh đạo đài VTV phê duyệt, nhóm tác giả quyết định khởi quay vào cuối tháng 3/2021 và sẽ phát sóng vào dịp đón xuân Nhâm Dần – 2022. Nhưng do dịch Covid-19 đã làm gián đoạn nhiều đợt quay, nên phải đến dịp 30/4/2022 phim mới hoàn thành.

Tác giả Đình Dương bày tỏ: Cũng lâu rồi chúng tôi mới có dịp thực hiện bộ phim tài liệu dài tập và công phu như thế. Điều đặc biệt là bộ phim phải ghi hình trong điều kiện khắc nghiệt của đại dịch Covid-19. Câu chuyện của phim trải dài từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, ở đâu có dấu tích của trường HSMN là chúng tôi tìm đến để khai thác, ghi lại những ký ức đẹp, tự hào của những thế hệ sống trong một giai đoạn lịch sử không thể nào quên.

Vì bối cảnh phim trải dài như thế, dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng như thế, đoàn công tác đã gặp khá nhiều khó khăn trong tác nghiệp, như nhân chứng mắc Covid-19, địa bàn ghi hình bị giãn cách xã hội... Mỗi lần như thế, các tác giả phải thay đổi nhân vật, thay đổi địa điểm và kịch bản luôn phải chỉnh sửa, thậm chí phải ăn ở tại khách sạn cả nhiều ngày, chờ thông báo của CDC mới triển khai tiếp.

Đạo diễn – Nhà báo Đình Dương chia sẻ: Khi thực hiện bộ phim, chúng tôi nhận thấy có 2 luồng cảm xúc gặp nhau. Đó là cảm xúc của HSMN muốn nói lời tri ân với nhân dân miền Bắc, với thầy cô giáo trường HSMN, tới Đảng, Bác đã dành cho họ. Còn luồng cảm xúc thứ 2 chính là phía chúng tôi, những người thực hiện bộ phim này, cũng coi đây là sự tri ân với các thế hệ HSMN với những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước sau này.

Bộ phim về HSMN, là niềm tự hào của ngành giáo dục Việt Nam, được kết tinh từ tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ và nhân dân miền Bắc nên mỗi bước chân của e-kip làm phim đi tới đâu đều được các thành viên HSMN quan tâm theo dõi.

“Các cô chú nay đã đều vào tuổixưa nay hiếm” nên rất mong mỏi bộ phim sớm hoàn thành để được xem lại một phần ký ức của mình trong đó... Bởi lẽ các cô chú lo rằng mình qua đời khi chưa kịp xem bộ phim này. Thật buồn khi nhiều cô chú đã qua đời do dịch Covid-19 và do tuổi cao sức yếu nên không kịp xem khi bộ phim được phát sóng”, tác giả Đình Dương nghẹn ngào chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạnh phúc khi phim về 'Học sinh miền Nam' đoạt giải