Hạnh phúc trao đi, niềm tin ở lại

Linh An | 03/04/2022, 06:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ khi tìm hiểu và tham gia nhóm “Thầy cô thay đổi, học trò hạnh phúc”, cô Phạm Thị Liên - Trường THPT Đông Thành (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) có thêm những phương pháp tạo cảm hứng tích cực.

Giờ dạy của cô Liên luôn mang đến cảm xúc tích cực.Giờ dạy của cô Liên luôn mang đến cảm xúc tích cực.

Trao yêu thương gặt trái ngọt

Sinh ra và lớn lên ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), nghề dạy học đã giúp cô Phạm Thị Liên bén duyên với vùng đất Quảng Yên. Năm 2013, cô nhận công tác tại Trường THPT Đông Thành. Suốt quá trình cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cô giáo trẻ đã đạt được nhiều thành tích cao, được đồng nghiệp trân trọng, phụ huynh học sinh tin yêu.

Khi về công tác tại Quảng Yên, nhận thấy vùng đất và con người nơi đây thân thiện, dễ mến nên cô Liên quyết định an cư tại đây. Đặc thù là giáo viên bộ môn Địa lý, cô Liên được phân công dạy nhiều lớp. Với lớp học nào, cô cũng nhận được sự quý mến của học sinh.

Trên thực tế, học sinh THPT không mấy mặn mà với các môn học xã hội bởi lượng kiến thức lớn và phải học nhớ. Quá trình giảng dạy, cô Liên luôn trăn trở, làm thế nào để tạo cảm hứng cho học sinh với môn học. Cô luôn xung phong đổi mới, thay đổi phương pháp giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Những giờ học môn Địa lý từ đó thêm sinh động, lớp học sôi nổi với những hình ảnh, video trực quan, sinh động.

Ngoài việc tự học tập, trau dồi chuyên môn, cô Liên tìm hiểu và tham gia nhóm “Thầy cô thay đổi, học trò hạnh phúc”. Thành viên trong nhóm là những thầy, cô giáo yêu nghề và có những phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả. Cô học hỏi nhiều từ các anh chị em đồng nghiệp.

“Khi tham gia nhóm, được trao đổi, học hỏi từ đồng nghiệp, tôi thấy bản thân thay đổi nhiều, tư duy nhạy bén hơn và có những phương pháp tích cực khiến học sinh gần gũi cô hơn và cô cũng gần gũi trò để dễ dàng sẻ chia”, cô Liên cho biết.

Trong quá trình giảng dạy học trò, cô Liên luôn tôn trọng sự khác biệt của học sinh và không gò các em vào một khuôn khổ cứng nhắc với những lời răn dạy lý thuyết, giáo điều.

Để môn học không khô khan, nhàm chán, cô Liên thường cho học sinh hoạt động tích cực trong giờ học. Các em chủ động tương tác với cô giáo, từ đó tạo nên hứng thú cho học sinh. Những lúc ôn thi đội tuyển học sinh giỏi, cô tạo không khí gần gũi với trò bằng những buổi chiều “la cà, chè kem”. Khoảnh khắc trò thoải mái trải lòng mình, cô Liên cảm nhận được tâm tư thầm kín trong những câu chuyện buồn của những em có hoàn cảnh khó khăn.

Đáp lại sự nhiệt huyết, yêu thương của cô giáo, hàng năm các em đều nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong học tập. Cô Liên thường có học sinh giỏi cấp trường, tỉnh. Cũng từ sự gần gũi cô trò mà cô giáo thường nắm bắt sát khả năng học tập và nguyện vọng của học sinh, từ đó tư vấn cho các em chọn nghề, chọn trường phù hợp.

Học sinh Trường THPT Đông Thành được học tập và vui chơi trong môi trường thân thiện, an toàn.

Cách xưng hô tạo năng lượng tích cực

Em Nguyễn Thành Đạt, lớp trưởng lớp 12 A7, Trường THPT Đông Thành, chia sẻ, môn Địa lý rất khó học với một học sinh học khối A như em. Nhưng giờ học với cô Liên, học sinh được tìm hiểu kiến thức từ dễ đến khó, cô tích cực giảng giải và tạo điều kiện cho học sinh nắm bài dễ dàng hơn. Điều mà cả lớp ấn tượng với cô là cách trò chuyện cởi mở và cách xưng hô gần gũi “cô - con”. Lần đầu nghe cô gọi là con, nhiều bạn thấy giật mình, thậm chí buồn cười và ngượng ngùng khi xưng con với cô. Nhưng sau thời gian ngắn, các thành viên đều thấy cách xưng hô ấy gần gũi, thân thương và gắn kết hơn.

Cô Liên cho hay, cô đang dạy học sinh lớp 10 và lớp 12. Với lớp học nào cô cũng xưng hô “cô - con”. Việc thay đổi cách xưng hô với mong muốn tạo cảm giác thân thương với trò, để tạo năng lượng tích cực trong mỗi giờ học. Bản thân cô giáo, khi thay đổi cách xưng hô cũng thấy ngượng ngùng và khiên cưỡng.

“Học sinh lớp 12 chỉ kém cô 16, 17 tuổi, nên tôi khá đắn đo khi gọi các em là con. Chỉ khi nghĩ, cách xưng hô như người thân trong gia đình sẽ tạo cảm giác an toàn và hạnh phúc cho trẻ nên tôi quyết tâm thực hiện. Quả thật, khi cách gọi trò thân mật, tôi cảm thấy ấm áp, bao dung hơn mỗi khi trò mắc lỗi”, cô Liên bày tỏ.

Giờ học môn Địa lý luôn sôi nổi và tích cực. Học sinh không ngại ngùng với cô và hăng hái xây dựng bài. Những tiết kiểm tra đầu giờ, các em thường thi nhau xung phong lên bảng. Nhiều em bị điểm kém do trả lời sai, được cô động viên bằng cách cho bù lại trong lần kiểm tra sau và ghi điểm trong tiết học.

Thầy Trần Thế Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Thành - cho hay, cô Liên là giáo viên trẻ năng động, nhiệt tình trong công việc. Hàng năm cô luôn có học sinh giỏi. Nói về cách xưng hô “cô - con” với học trò, thầy Vinh cho rằng, không riêng gì cô Liên mà nhiều thầy cô khác trong trường đều có cách xưng hô thân mật với học sinh như vậy.

Thầy Vinh hoàn toàn đồng tình với cách xưng hô đó. Bởi theo thầy, ngôn ngữ của người Việt có gốc rễ, có vai vế, mỗi đại từ nhân xưng biểu hiện một mối quan hệ khác nhau. Thầy cô gọi trò là con không có gì sai, mà ngược lại nó sẽ truyền năng lượng tích cực cho trò, khi đó các em cảm thấy tự tin ở trường như ở nhà và thoải mái vui chơi, học tập.

Cô Liên chia sẻ rằng, thực tế có nhiều học sinh không thực sự giỏi nhưng bước vào môn học của cô các em rất tự tin. Ngoài giờ học, cô trò thường cùng nhau sẻ chia, trò chuyện nên khoảng cách cô trò không còn xa lạ mà xích lại gần nhau. Cuộc sống cũng như công tác khi mình chân tình và cho đi những tình cảm yêu thương mới nhận lại trái ngọt.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạnh phúc trao đi, niềm tin ở lại