Không chỉ loay hoay với việc tìm nơi gửi con, đối phó với tình huống cắt điện luân phiên cũng khiến nhiều người đau đầu. Có con học lớp 4 tuổi tại trường mầm non ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), những ngày này, chị Lê Thu Hà sợ nhất là nhận tin nhắn từ nhà trường thông báo lịch cắt điện. Bởi mỗi lần như vậy, sẽ không có ai trông con và chị sẽ phải “cắp” theo lên cơ quan. Việc này ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc của chị vì còn phải để mắt tới con. Nếu hôm nào phải đi công tác, chị phải đèo con tới gửi một cô giáo nhận trông trẻ tại nhà với chi phí 500.000 đồng/ngày/cháu.
“Thực sự mỗi lần đến hè là phụ huynh vô cùng lo lắng, nhất là nguy cơ mất điện. Người lớn thì cố chịu, chỉ thương các cháu nhỏ. Ở nhà thì không có ai trông, đến lớp mà bị cắt điện, cô trò mồ hôi ướt đẫm cũng không hoạt động được gì. Tôi mong ban ngành chức năng nếu có cắt điện thì nên ưu tiên nguồn điện cho trường mầm non để các cháu và cô đỡ vất vả”, chị Thu Hà tâm sự.
Cũng theo chị Lê Thu Hà, dù được thông báo trước nhưng các cô giáo mầm non thường xuyên nhắc phụ huynh chủ động các phương án chống nóng cho trẻ tại trường nếu xảy ra mất điện đột xuất.
Chị Hà đã kịp thời trang bị một chiếc quạt tích điện ở nhà. Vì thế, những hôm nào trường con trai bị mất điện, chị sẽ mang theo chiếc quạt này tới lớp để buổi trưa các con ngủ đỡ bị nóng.
Chia sẻ của chủ cơ sở mầm non tư thục tại quận Thanh Xuân, nhu cầu gửi con dịp hè của phụ huynh rất lớn. Cơ sở này căn cứ theo hướng dẫn của ngành Giáo dục về các điều kiện liên quan để mở lớp trông trẻ những tháng nghỉ hè nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.
“Những ngày bị cắt điện, chúng tôi sẽ thông báo sớm nhất có thể để phụ huynh quyết định có gửi con đến lớp hay không. Nhà trường cũng thuê máy phát điện cỡ lớn nhưng vì nhu cầu quá cao nên không thuê được. Các cô giáo mỗi nhóm lớp chủ động phối hợp với phụ huynh mang theo quạt tích điện vào những ngày cắt điện luân phiên. Dù là giải pháp tình thế nhưng cũng có ích trong những ngày nắng nóng này”, vị đại diện cơ sở nói thêm.
Huyện Hoài Đức (Hà Nội) những ngày qua cũng thực hiện cắt điện luân phiên theo chủ trương chung. Cô Nguyễn Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Đồng, cho biết, nhà trường có công văn gửi Điện lực huyện cũng như UBND xã Sơn Đồng về việc ưu tiên nguồn điện cho nhà trường trong thời gian đón trẻ đến lớp. Do đó, trường ít xảy ra tình trạng mất điện nên phụ huynh yên tâm khi gửi con đến học hè tại trường.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành công văn yêu cầu các nhà trường không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào; không tổ chức dạy trước chương trình; không tổ chức ôn tập, luyện thi, kiểm tra, khảo sát để xếp lớp năm học 2023 - 2024. Đối với cấp học mầm non, căn cứ điều kiện thực tế và nhu cầu gửi con của cha mẹ trẻ, tinh thần tự nguyện của giáo viên đăng ký làm hè, cơ sở giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hè, báo cáo UBND xã/phường/thị trấn và phòng GD&ĐT.
Thực hiện yêu cầu trên, Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức đã yêu cầu tất cả đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của sở GD&ĐT. Các trường/nhóm trẻ mầm non cũng như tổ chức trông trẻ dịp hè tuân thủ quy định của ngành, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm, thu chi theo thỏa thuận và đúng quy định để phụ huynh yên tâm…
Ông Vương Văn Lâm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, cho hay, kể từ đầu tháng 6 đến nay, các cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn huyện đều có báo cáo về kế hoạch tổ chức hoạt động hè, trong đó có việc ứng phó với tình huống mất điện.
Giải pháp mà gia đình anh Nguyễn Văn Thanh (trú tại TX Sơn Tây, Hà Nội) áp dụng khi nghỉ hè là đăng ký cho con trai 7 tuổi tham gia lớp học bơi tại trường, con gái 4 tuổi vẫn đi lớp mầm non. Việc này giúp con được trang bị thêm nhiều kỹ năng quan trọng để phòng tránh nguy cơ đuối nước. Ngoài ra, anh Thanh cũng muốn con có một mùa Hè đúng nghĩa nên không ép phải học thêm các lớp năng khiếu. Hơn nữa, khi học bơi cũng không lo nắng nóng do bị cắt điện luân phiên nên con hào hứng tham gia.