Hệ luỵ khi cha mẹ áp đặt con thái quá

Tùng Bách, | 13/11/2023, 16:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo chuyên gia, việc cha mẹ áp đặt, gây áp lực cho con quá mức có thể phản tác dụng, gây những hậu quả lâu dài đối với sự phát triển của con.

Tự ti vì bị áp đặt

Theo thầy Phạm Huy Hùng, việc cha mẹ áp đặt con cái cũng khiến con khó thể hiện bản thân, bộc lộ cảm xúc, thậm chí trẻ còn luôn lo lắng vì bị đánh giá, hoặc bị mắng mỏ nặng lời nếu chẳng may đi chệch với quy tắc nghiêm ngặt của cha mẹ. Những lời chỉ trích gay gắt có thể khiến trẻ cảm thấy thua kém so với bạn bè và có thể khiến con mặc cảm.

Thế nên, sự áp đặt có thể khiến con đánh mất lòng tự trọng và sự tự tin vào chính bản thân mình. Việc cha mẹ cứng nhắc, kiểm soát và nghiêm khắc còn làm giảm khả năng đương đầu với thế giới của con. Trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn để xử lý các tình huống cũng như đánh giá các vấn đề một cách khách quan.

“Cha mẹ độc đoán cũng thường nhấn mạnh nguyên nhân và hậu quả khi con bất tuân những nguyên tắc được đặt ra. Điều này cản trở khả năng đưa ra lựa chọn tự nhiên của trẻ. Những đứa trẻ phụ thuộc vào người khác để phát triển sự tự tin của mình thường sẽ gặp khó khăn trong các tình huống xã hội hoặc trong môi trường mới”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, áp đặt con trẻ còn gây hệ lụy như suy giảm các kỹ năng tương tác xã hội. Khi bị áp đặt quá mức, trẻ thường phát triển các hành vi xấu hoặc trở nên hung dữ. Thay vì nghĩ về cách làm mọi thứ tốt hơn trong tương lai, trẻ sẽ thường tập trung vào sự tức giận khi cha mẹ áp đặt con cái. Con có thể lớn lên để trở thành những “bậc thầy nói dối” để tránh bị trừng phạt.

Những đứa trẻ này cuối cùng trở nên mệt mỏi với danh sách các quy tắc dường như vô tận liên tục được đưa ra. Do đó, con sẽ cố tình thách thức cha mẹ bằng cách hành động đi ngược lại nguyên tắc.

Việc cha mẹ áp đặt con cái quá mức không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của con, mà còn gia tăng nguy cơ trẻ mắc phải các rối loạn tâm lý. Những đứa trẻ có cha mẹ nghiêm khắc dễ bị trầm cảm; rối loạn lo âu, ăn uống, lưỡng cực và nhân cách; lạm dụng chất kích thích…

“Những rối loạn tâm lý nêu trên sẽ cản trở khả năng học tập, các thói quen sinh hoạt lành mạnh và sức khỏe thể chất của con. Từ đó, chất lượng cuộc sống của trẻ bị suy giảm.

Cha mẹ có thể không nhận ra được những nguy hại đó ngay nhưng lâu dần sẽ gây ra hệ lụy khôn lường với trẻ. Do đó, phải quan tâm bằng chia sẻ, yêu thương thay vì áp đặt mọi thứ bắt con nhất nhất tuân theo”, thầy Hùng đưa ra lời khuyên.

Theo thầy Hùng, áp đặt những tưởng giúp con có cuộc sống hạnh phúc hơn nhưng thực chất ảnh hưởng tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của chúng. Bởi khi cha mẹ luôn áp đặt con cái, họ sẽ thường bỏ qua và không đáp ứng những nhu cầu chính đáng của con, dẫn đến cảm giác bất an, không ổn định trong tương lai của trẻ.

Theo Giáo dục và Thời đại
https://giaoducthoidai.vn/he-luy-khi-cha-me-ap-dat-con-thai-qua-post660082.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/he-luy-khi-cha-me-ap-dat-con-thai-qua-post660082.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ luỵ khi cha mẹ áp đặt con thái quá