Theo chia sẻ của thầy Huỳnh Thanh Phú, cụm từ “Trường học hạnh phúc” không chỉ nói bằng miệng hay trên giấy, mà phải bắt tay vào làm. Nếu học sinh vi phạm mà nhà trường xử lý bằng việc dọn vệ sinh lớp, chép phạt, kiểm điểm, như vậy khó giúp học sinh thay đổi nhận thức, hành vi và cũng không phải là giải pháp hay.
Đặc biệt, những công việc lau dọn vệ sinh hay kê bàn ghế sẽ không tránh khỏi rủi ro như kẹt tay, chân… trong khi đó việc này đã có bộ phận nhân viên phụ trách. Vì thế, thầy Phú đã nghĩ ngay đến việc yêu cầu các học sinh vi phạm lên thư viện chọn các cuốn sách về Bác Hồ, hay hạt giống tâm hồn, người con hiếu thảo… để đọc. Sau khi đọc xong viết cảm nhận bản thân về câu chuyện đó.
“Mong muốn của tôi là các em đọc và cảm nhận văn học để viết ra suy nghĩ của bản thân. Đặc biệt, đôi lúc câu chuyện đó sẽ đánh thức lương tâm để các em yêu quý gia đình nhiều hơn. Thực tế việc đọc sách sẽ bồi đắp tâm hồn cho học sinh, giúp tác động trực tiếp vào nhận thức, suy nghĩ của các em qua những con chữ.
Khi nhận thức được đủ và đúng vấn đề, các em tự biến chúng thành những hành động đúng, đẹp. Muốn học sinh thay đổi theo hướng tích cực, bản thân người thầy phải có cách xử lý vi phạm thật nhân văn; bên cạnh đó mang lại nhiều thông điệp để người vi phạm tự thấy sai và không vấp phải nữa”, thầy Phú chia sẻ.
Cô Trương Thị Trị, Tổng Giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết, những năm qua nhà trường và phụ huynh luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc giáo dục học sinh. Học sinh trong trường đều ngoan, tuy nhiên đôi khi cũng có một vài em vi phạm lỗi nhỏ như đi trễ, nhuộm tóc, đi giày cao gót...
“Nhiều khi nhà trường xử lý vi phạm thì các em không dám nói gì, nhưng về nhà lại bực bội kể với phụ huynh. Từ ngày đổi phương pháp xử lý, phụ huynh phản hồi đến trường rất tích cực. Tôi cũng bất ngờ về những bài viết của các em, dù chỉ có ít phút đọc sách trên trường nhưng các em viết bài cảm nhận rất sâu sắc và ấn tượng”, cô Trị cho hay.
Một tiết học hạnh phúc của Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC |
Xây dựng trường học hạnh phúc, từ tháng 9/2018, Trường THPT Hoàng Cầu bắt đầu hành trình thay đổi với các chủ thể: Hiệu trưởng hạnh phúc - Giáo viên hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc. Theo cô Lập, đây là hành trình dài, bền bỉ và cố gắng để thay đổi từ nhận thức, hành vi cho đến cảm xúc, thái độ…. của thầy và trò.
“Sau 5 năm thực hiện (2018 - 2023), chúng tôi bắt đầu được thụ hưởng những giá trị của trường học hạnh phúc đem lại. Theo đó, giáo viên yêu nghề, yêu trò và không ngừng đổi mới trong dạy - học; nhiều sáng kiến, sáng tạo được ra đời. Học sinh yêu trường, yêu lớp và thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ngập tràn hạnh phúc… Đặc biệt không có tình trạng bạo lực học đường xảy ra”, cô Lập chia vui. Đây cũng là một trong những lý do mà cô Lập luôn tâm huyết, sáng tạo và mong muốn lan tỏa, nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc.
Cho rằng, bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh và phụ huynh, TS Nguyễn Thị Thanh Nga, Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) trao đổi, xây dựng những tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc và trường học hạnh phúc cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống vấn nạn này. Bởi trong trường học hạnh phúc, học sinh không chỉ được trang bị kiến thức, mà còn được giáo dục, phát triển kỹ năng sống. Trong đó có kỹ năng ứng phó bạo lực học đường, kiểm soát cảm xúc và giao tiếp học đường.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Thanh Nga nhìn nhận, phòng chống bạo lực học đường, thì giáo dục không chỉ hướng đến kỹ năng sống, bởi đó chỉ là phần ngọn. Nếu giáo dục chỉ tập trung cắt hành vi thì tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra. “Vậy giáo dục tập trung vào gốc là ở đâu? Theo tôi, đó là giáo dục thật tốt các giá trị sống”, TS Nguyễn Thị Thanh Nga nêu vấn đề.
Chuyên gia này viện dẫn, UNESCO đưa ra 12 giá trị sống như sau: Hòa bình, tôn trọng, yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, trách nhiệm, hạnh phúc, giản dị, tự do, đoàn kết. Đây là những giá trị sống nhất thiết phải được đưa vào giáo dục cùng với các kỹ năng sống. Những nội dung giá trị sống này cần được đưa vào, “cài cắm” vào tất cả nội dung môn học. Tránh giáo dục giáo điều, hình thức, tẻ nhạt và hô khẩu hiệu… Làm được như vậy, sẽ xây dựng cho các em có “cái gốc” để tránh xa bạo lực học đường.
Theo thầy Phú, xây dựng văn hóa đọc đối với các bạn trẻ là việc rất khó. Hiện nay, các thiết bị điện thoại thông minh quá nhiều đã gây nên sự chây lười ở các em, lười đọc cũng là biểu hiện của việc đó. Phát triển văn hóa đọc, học sinh sẽ đỡ sa đà vào điện thoại và làm những điều không hay theo trên mạng. Không phải học sinh nào cũng có đủ khả năng để tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, chính vì vậy, nhà trường phải là một cái nôi vững chắc để các em có nền tảng kiến thức trước đầy rẫy thông tin trên mạng xã hội.