Bên cạnh đó, chúng ta nên có quy chế sandbox thử nghiệm cho những người có tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm. Sandbox là hộp thử nghiệm, trong đó người có sáng kiến được quyền thử nghiệm mà không bị các quy định của pháp luật hiện hành trói buộc. Do khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển quá nhanh, hệ thống pháp luật không theo kịp, nên rất nhiều nước đã ban hành quy chế sandbox cho phép phát triển fintech, xe tự lái, các start-up… Nước ta cũng cần nhanh chóng xây dựng và vận hành các sandbox như vậy.
“Có bố trí cán bộ theo thành tích thì mới thúc đẩy cán bộ làm, chứ ngoan, “ngồi im” mà lên thì mọi thứ méo mó hết. Đánh giá cán bộ quan trọng nhất là thành tích, là việc anh đưa kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển. Mà muốn có thành tích thì bắt buộc cán bộ phải đổi mới, phải giỏi thật sự” - ông Nguyễn Sĩ Dũng.
Còn về lâu dài, cần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở cân đối giữa tự do và điều chỉnh, giữa luật khung và luật chi tiết. Xu thế lạm dụng điều chỉnh đang là vấn đề rất lớn của đất nước ta. Pháp luật điều chỉnh càng nhiều thì không gian cho đổi mới và sáng tạo càng ít; chi phí tuân thủ tăng cao; các tiềm năng của đất nước bị trói chặt. Xu thế lạm dụng việc ban hành luật chi tiết cũng vậy. Luật chi tiết có thể chống được sự tự tung, tự tác, nhờ đó góp phần chống được tham nhũng, nhưng lại hạn chế không gian cho sự sáng tạo, đổi mới. Luật khung thì có thể có nguy cơ tự tung, tự tác, song lại tạo không gian sáng tạo nhiều hơn. Do đó cần phải có sự cân đối.
Chọn cán bộ phải dựa trên thành tích
- Vậy việc xây dựng Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để cụ thể hóa kết luận 14 của Bộ Chính trị có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Quy định này là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Không có quy định này thì hệ thống công vụ sẽ không có động lực, tinh thần để đổi mới, và không có đổi mới thì rất khó phát triển. Những người đổi mới xứng đáng được tôn vinh và bảo vệ. Các cuộc “phá rào” trước những năm 1986 cho chúng ta thấy, rất nhiều người đã dấn thân, đổi mới, dám nghĩ, dám làm và chấp nhận những rủi ro. Trong sự nghiệp cách mạng cũng vậy, những người cộng sản đầu tiên luôn chấp nhận ra pháp trường. Nếu không có sự tiên phong đó thì làm sao có các cuộc cách mạng thành công.
Cho nên với những con người có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm vì mục đích tốt đẹp, xã hội phải có sự trân trọng. Ông Kim Ngọc là người dấn thân vì sự nghiệp đổi với đất nước, đến nay vẫn được tôn vinh, tôn trọng. Những người dám dấn thân vì sự nghiệp đổi mới đó có thể vi phạm, có thể bị kỷ luật nhưng xã hội phải tôn vinh, phải bảo vệ. Chớ thấy người ta đổi mới, bị kỷ luật rồi lao vào “tắm bùn” thì làm sao có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm nữa? Khi nhìn vào những hành động dấn thân, đổi mới, đầu tiên phải xem mục tiêu là gì? Nếu làm khác quy trình để phục vụ lợi ích cá nhân và gây hậu quả thì phải xử lý. Ngược lại, nếu làm khác để phục vụ người dân, doanh nghiệp, đem lại hiệu quả tốt hơn thì phải áp dụng cơ chế bảo vệ họ.
- Vậy còn công tác cán bộ thì sao?
Đề bạt, lựa chọn cán bộ phải dựa trên thành tích. Những người ở cấp xã, nếu làm cho kinh tế phát triển thì xem xét lên cán bộ huyện. Người đứng đầu huyện làm cho kinh tế phát triển nhất tỉnh thì lên cán bộ tỉnh. Cán bộ tỉnh mà làm cho địa phương phát triển thuộc tốp nhất cả nước thì đưa lên Trung ương. Làm thế, chúng ta sẽ tạo ra được phong trào đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung trong đội ngũ cán bộ và công chức.
Thực tiễn cho thấy chọn theo thành tích thì ít khi sai. Địa phương khó khăn, cán bộ luân chuyển về tìm cách phát triển, đưa địa phương lên hàng đầu được thì chứng tỏ anh là người giỏi. Những người giỏi đó phải được ưu tiên bố trí ở công việc cao hơn.
- Xin cảm ơn ông!
(Còn nữa)