Các nhà khoa học, chuyên gia đề xuất nhiều điều chỉnh quan trọng trong Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm huy động nguồn lực đầu tư, cải thiện cơ chế quản lý và ứng dụng công nghệ để phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam.
Ngày 25/2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)".
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh lịch sử phát triển ngành đường sắt gần 145 năm, với nhiều tuyến đường sắt được xây dựng và vận hành, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế và an ninh - quốc phòng. Tuy nhiên, hệ thống đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam với khổ đường 1m đã trở nên lạc hậu, cần được đầu tư hiện đại hóa.
Đối với thể chế cho ngành, Luật Đường sắt được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 16/6/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018 và được sửa đổi, bổ sung năm 2019, đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành đường sắt.
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, Luật Đường sắt đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đều cho rằng dư địa trong phát triển lĩnh vực đường sắt ở nước ta còn rất lớn. Đảng và Nhà nước có các chủ trương, chính sách mới đẩy mạnh phát triển đường sắt Việt Nam. Nhiều năm qua, ngành đường sắt đã có những thay đổi đáng kể, nhiều tuyến đường sắt đô thị đã đưa vào hoạt động với các tiện ích hiện đại.
Gần đây, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc- Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM. Theo đó, ngành đường sắt sẽ tiếp tục được hiện đại hóa trong thời gian tới và cần một khung pháp lý phù hợp.
Nhấn mạnh sự cấp thiết xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, dự Luật xây dựng trên một số quan điểm chính.
Đó là, tiếp tục thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng về hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển đường sắt phù hợp với chỉ đạo của Tổng Bí thư tại phiên họp lần thứ 8 Quốc hội khóa XV và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Đặc biệt là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động đường sắt. Huy động tối đa các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Ngân sách nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo để thu hút các thành phần kinh tế tham gia và kinh doanh đường sắt. Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực đường sắt...
Trên cơ sở những quan điểm đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều nội dung sửa đổi quan trọng. Theo đó, về đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo luật bổ sung quy định huy động tối đa nguồn lực địa phương và các thành phần kinh tế khác nhau tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong đó có quy định khuyến khích tất cả các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng. Đồng thời bổ sung quy định các địa phương được dùng ngân sách của mình để tham gia vào công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, công trình hạ tầng; rút ngắn, đơn giản hoá thủ tục thực hiện đầu tư; rà soát các quy định của pháp luật liên quan như Luật Thủ đô, Luật Đất đai, các nghị quyết của Quốc hội và một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt là cho đường sắt quan trọng quốc gia, quan trọng đô thị.
Bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo Luật, GS.TS Bùi Xuân Phong, Giảng viên cao cấp, Nguyên chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam đánh giá, dự luật đã bổ sung quy định về đầu tư xây dựng đường sắt vùng, đường sắt nội tỉnh nhằm huy động nguồn lực của địa phương cho việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và quy định việc quản lý, bảo trì, khai thác đối với các loại hình đường sắt này; khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt để phát triển các khu đô thị, dịch vụ thương mại... nhằm mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế và tạo ra nguồn lực từ khai thác quỹ đất, tối ưu hóa nhu cầu đi lại.
Dự thảo luật cũng tách bạch quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao để khỏi trùng lặp về nội dung, chưa rõ nội hàm....
Đối với nội dung đầu tư xây dựng công trình đường sắt, GS.TS Bùi Xuân Phongđề nghị viết theo quy định của Luật Đầu tư công (đã được sửa đổi bổ sung năm 2024) để thuận lợi cho việc đa dạng hóa các nguồn lực nhằm huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, từ các doanh nghiệp, từ các nguồn đầu tư nước ngoài hợp pháp khác cho đầu tư xây dựng công trình đường sắt thể hiện được quan điểm "lãnh đạo công, quản trị tư" mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu.
Bởi hiện nay, Luật Đầu tư công (đã được sửa đổi bổ sung năm 2024) đã bổ sung thêm đối tượng được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công, gồm: "Doanh nghiệp nhà nước, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, dự án đầu tư công bằng văn bản".
Ngoài ra, các nhà khoa học, chuyên gia cũng đề xuất bổ sung quy định hợp tác quốc tế về hoạt động đường sắt; sửa đổi định nghĩa "Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt", bổ sung khái niệm "ga kỹ thuật hành khách", điều chỉnh thẩm quyền định giá kết cấu hạ tầng đường sắt; tỉ lệ phân chia số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt quốc gia được nộp vào ngân sách địa phương cấp tỉnh và nộp vào ngân sách trung ương...