Để đưa học sinh đi trải nghiệm mang lại lợi ích thực chất cho người học, cô Trần Thị Thảo cho rằng, nhà trường cần xây dựng kế hoạch trải nghiệm trên cơ sở kế hoạch chuyên môn các bộ môn từ đầu năm, có thể tích hợp hoặc lược bớt hoạt động nếu trùng mục tiêu. Lựa chọn hoạt động phù hợp với mục tiêu giáo dục của nhà trường (về chuyên môn, giáo dục đạo đức...).
Mỗi khối lớp, đối tượng học sinh cần có kế hoạch tương ứng, tránh sử dụng kế hoạch trải nghiệm khối này cho khối khác. Đặc biệt, cần minh bạch và thống nhất tài chính với cha mẹ học sinh từ đầu năm để có được sự đồng thuận trong việc tổ chức. Các hoạt động trải nghiệm phải có mục tiêu rõ ràng, hoạt động cụ thể, sản phẩm đầu ra… tránh tình trạng một số trường tổ chức học sinh đi trải nghiệm nhưng thiếu hoạt động giáo dục, tổ chức như đi du lịch gây tốn kém và lãng phí…
Cũng đề cập tới vấn đề xây dựng kế hoạch, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai tại Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp. Theo đó, kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục được xây dựng từ đầu năm. Từ kế hoạch giáo dục của từng tổ chuyên môn, ban chuyên môn của trường, giáo viên xác định nội dung có thể liên môn để làm chương trình giáo dục trải nghiệm bên ngoài lớp học, nhà trường.
“Năm học vừa qua, trường đã tổ chức thành công nhiều chương trình trải nghiệm ngoài lớp học cho các khối lớp. Chúng tôi gọi là dịch chuyển không gian lớp học ra ngoài thế giới, không bó buộc xung quanh 4 bức tường với những bài học ảo. Nhà trường đã thực hiện được nhiều kết hợp liên môn thông qua kế hoạch giáo dục đầu năm, mang đến sự phấn khởi cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Ví dụ, khối 8 đã liên môn Ngữ văn, Lịch sử, cho học sinh đi trải nghiệm học tập tại Hoàng thành Thăng Long nửa buổi. Sau đó, học sinh có bài thu hoạch, vừa trả lời câu hỏi môn Lịch sử bằng hình ảnh, video, đồng thời biết được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học trong chương trình đang học”, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang), nhận định: Về chuyên môn, trải nghiệm thực tế là hoạt động giáo dục tích cực hiện đại. Khuynh hướng giáo dục hiện đại hướng đến đào tạo kỹ năng và ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Đó là lý do những cải cách giáo dục gần đây luôn quan tâm đến dạy học theo dự án.
Trường THCS Quản Cơ Thành hiện triển khai nhiều hoạt động thực tế như câu lạc bộ, tuần lễ bộ môn các sân chơi đầu tuần, sinh hoạt chủ điểm… Tuy nhiên, cô Lê Thị Ngọc Dung lưu ý, mọi phương pháp đều có hai mặt. Nếu lạm dụng các hoạt động để mưu cầu lợi ích cá nhân thì cần lên án.
“Việc thiết kế những trải nghiệm phải bảo đảm các tiêu chí: An toàn, tiết kiệm, hiệu quả và mang tính giáo dục. Địa điểm tổ chức cần thiết thực, phù hợp nội dung trải nghiệm. Nếu trải nghiệm khoa học tự nhiên nên tổ chức tại phòng bộ môn, phòng lab của trường; Nghiêng về văn hóa xã hội thì cần xác định chủ đề, khách mời và tổ chức phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh”, cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.