Với những trường tổ chức dạy – học 2 buổi/ngày, việc điều chỉnh giờ vào học muộn hơn sẽ không có xáo trộn nhiều. Nhưng nếu chỉ có thể dạy – học 1 buổi/ngày thì vào học muộn hơn cũng đồng nghĩa với giờ ra về muộn hơn. Sự mệt mỏi của học sinh lúc đấy chuyển từ thời điểm này sang thời điểm khác trong ngày mà thôi.
Người lớn có nhiều mục tiêu để hướng tới, từ con cái, gia đình cho tới công việc và luôn nỗ lực làm sao để đáp ứng tất cả mong cầu đó nên vô tình làm cho mình trở nên căng thẳng hơn. Sự căng thẳng của cha mẹ vô hình trung tác động đến tâm lý của trẻ. Trong trường hợp bất khả kháng, phụ huynh nên chấp nhận với một tâm trạng vui vẻ, thoải mái để thích ứng thì năng lượng tích cực đó sẽ tạo nên sự hứng thú cho bản thân và con cái khi khởi động một ngày mới.
Chị Nguyễn Thị Hải Phước. |
Khi con đầu của tôi đang học tiểu học, do phải chuyển nơi ở sang quận khác nên quãng đường từ nhà đến trường là xa. Vì vậy, dù giờ vào học của con là 7 giờ 30 phút nhưng phải thức dậy từ 6 giờ sáng để con kịp đến trường, mẹ còn đi làm. Nhưng rất ít khi tôi chuẩn bị được đồ ăn sáng cho con ở nhà mà phải mua tạm bánh mì, xôi… ở trước cổng trường.
Giờ vào học của con muộn nhưng nhà xa trường, ngược với nơi làm của mẹ nên đành phải chấp nhận đi học sớm. Vì vậy, khi đứa con thứ 2 vào tiểu học, chúng tôi chọn trường gần nhà. Thời gian di chuyển ít hơn nên không còn cảnh phải vội vàng vào đầu giờ buổi sáng như trước đây nữa. Số bữa ăn sáng cùng với gia đình của con cũng nhiều hơn.
Từ thực tế của gia đình, tôi nghĩ rằng, việc trẻ phải dậy sớm khi còn đang ngái ngủ, đôi khi không phụ thuộc vào giờ vào học của nhà trường, mà còn phải tùy tính chất công việc của bố mẹ cũng như khoảng cách từ nhà đến trường.
Với học sinh tiểu học và THCS, nếu trẻ học đúng tuyến thì quãng đường từ nhà đến trường không quá xa, vẫn có thể ngủ thêm 15 – 20 phút mỗi buổi sáng hoặc có thêm thời gian để ăn sáng trước khi vào học. Khi chọn trường, phụ huynh cũng nên cân nhắc thêm về thời gian di chuyển trên đường cũng như tuyến đường đi làm của bố mẹ. Bởi trẻ mất đến 5 năm học tiểu học, 4 năm học THCS, nếu ngày nào cũng phải di chuyển xa, thường xuyên phải dậy sớm rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển.
Nếu đi học sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, các gia đình có thể sắp xếp để con đi ngủ trước 10 giờ đêm để được ngủ đủ 8 tiếng. Buổi sáng, các em thức dậy sẽ không còn cảm giác uể oải. Tuy nhiên, nhiều gia đình, con cái ngủ theo giờ giấc của bố mẹ nên giờ đi ngủ rất muộn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của trẻ bởi hormone tăng trưởng tiết nhiều từ 21 giờ đến 24 giờ.