Giáo dục

Học nội trú: Chuẩn bị hành trang cho trò

23/07/2024 10:40

Để học sinh có tâm lý vững vàng, sinh hoạt hòa đồng, học tập hiệu quả ở trường nội trú, bán trú, cần chuẩn bị cho các em một hành trang thật tốt.

Thầy Phan Trường Giang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang): Chọn giáo viên có kinh nghiệm

chuan bi hanh trang that tot2.jpg
Thầy Phan Trường Giang. Ảnh: NVCC

Gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số nên tôi hiểu rõ cản trở tâm lý lớn nhất mà các em gặp phải là thiếu tự tin, rụt rè, thậm chí ngại giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Do đó, khi học sinh mới vào trường, chúng tôi lưu ý giáo viên chủ nhiệm, bộ môn phải giáo dục các em tinh thần tự hào truyền thống, văn hóa của dân tộc; khuyến khích mặc trang phục dân tộc trong quá trình hoạt động văn hoá, học tập.

Nhà trường còn thành lập câu lạc bộ văn nghệ sinh hoạt các làn điệu dân tộc; câu lạc bộ thể dục thể thao mỗi dân tộc để khuyến khích sử dụng tiếng dân tộc trong sinh hoạt. Thầy cô sẽ cùng tham gia các câu lạc bộ này nhằm tạo sự gần gũi, tin tưởng để khi gặp khó khăn các em có thể trao đổi, tâm sự.

Đồng thời để thuận lợi trong giao tiếp, nhà trường khuyến khích giáo viên học thêm tiếng dân tộc; tổ chức nhiều hoạt động tập thể giúp học sinh sớm làm quen và hiểu nhau hơn.

Đối với học sinh trường dân tộc nội trú, thầy cô là “cha, mẹ” vì các em sinh hoạt, học tập gần như hoàn toàn ở trường (trừ nghỉ hè, lễ, Tết). Các thầy cô phải uốn nắn học sinh từ cách ăn uống, nói năng, đi lại, kỹ năng sống thường gặp trong sinh hoạt, học tập.

Học sinh mới nhập học, nhà trường thường lựa chọn giáo viên nhiều kinh nghiệm về tâm lý học trò (thường chọn thầy cô đang có con ở lứa tuổi tương đồng với học sinh để dễ hiểu, thông cảm, chia sẻ, yêu thương), có tính kiên nhẫn, khả năng giao tiếp tốt và kỹ năng thuyết phục học sinh. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm phải làm tốt công tác tư tưởng cho học trò trong học tập, sinh hoạt ở môi trường nội trú.

Cô Lê Thị Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Đắk Glong (Đăk Nông): Lắng nghe tâm tư học trò

chuan bi hanh trang that tot3.jpg
Cô Lê Thị Anh. Ảnh: NVCC

Không chỉ với huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông mà học sinh dân tộc nội trú ở các địa phương khác phần lớn có hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện tiếp xúc môi trường xã hội bên ngoài trước khi đến trường còn hạn chế. Vì vậy nhiều học sinh nhút nhát, ngại giao tiếp, sợ nói chuyện với người lạ và ít thể hiện mình trước đám đông.

Bởi thế, để học sinh sớm làm quen môi trường sinh hoạt, học tập, trong công tác thông tin tuyển sinh, ngoài gửi bằng văn bản về nhà trường, địa phương thì bộ phận tuyển sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Đắk Glong còn trực tiếp đến các trường THCS gặp gỡ, cung cấp thông tin, lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các em.

Sau khi học sinh trúng tuyển, nhà trường sớm thông báo kết quả, giới thiệu các hoạt động giáo dục qua website, Facebook, cung cấp số điện thoại để học sinh, phụ huynh liên lạc, tìm hiểu về nhà trường.

Trong tuần giáo dục đầu năm, đoàn thanh niên, đội thiếu niên tiền phong và tổ quản lý nội trú tổ chức học nội quy, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để học sinh có thể tự lập sinh hoạt ở môi trường mới. Đặc biệt, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tập thể, tăng cường phát huy năng khiếu học sinh, tổ chức giao lưu văn hóa giữa các dân tộc để trò cảm nhận sự gần gũi, thân thiện của môi trường nội trú.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Mạnh Linh - Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology (Hà Nội): Không phó mặc cho nhà trường

chuan bi hanh trang that tot4.jpg
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Mạnh Linh. Ảnh: NVCC

Đối với học sinh dân tộc thiểu số, trường dân tộc nội trú là cơ hội để các em học tập, phát triển, xây dựng ước mơ, giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, học ở môi trường này đòi hỏi các em phát huy tính tự lập cao.

Do đó trước khi nhập học, phụ huynh nên tư vấn, định hướng để các em xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm đạt mục tiêu trong những năm học tại trường. Khi mới học nội trú, học sinh thường có tâm lý hào hứng vì nghĩ mình tự do, không bị gia đình quản lý... Bởi vậy khoảng thời gian chờ nhập học, bố mẹ cần dạy trẻ cách xây dựng và bám mục tiêu đề ra trong học tập; hướng dẫn cách lên kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên.

Phụ huynh không thể phó mặc con hoàn toàn cho nhà trường, cần làm sao để gia đình và nhà trường là sợi dây kết nối cùng giáo dục hiệu quả, giúp các em phát triển toàn diện, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, áp lực cuộc sống.

Những lời dặn dò, hướng dẫn, quan tâm chính là sự kết nối giúp các em cảm nhận ấm áp từ người thân, nếu gặp khó khăn sẵn sàng chia sẻ và hiểu rằng gia đình là điểm tựa, động lực để phấn đấu.

ThS, bác sĩ Phạm Quang Khải - Khoa Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E: Cần có kiến thức để bảo vệ bản thân

chuan bi hanh trang that tot6.png
ThS, bác sĩ Phạm Quang Khải. Ảnh: NVCC

Học sinh ở giai đoạn phát triển, cơ thể, tâm lý nhiều thay đổi nên tò mò, muốn khá phá điều mới mẻ. Vì vậy, một trong những vấn đề phụ huynh, giáo viên cần trang bị cho trẻ là kiến thức giới tính, phòng tránh thai, bảo vệ bản thân trước cám dỗ. Các em cần có kiến thức liên quan đến bệnh dễ lây nhiễm qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai hay các bệnh do dùng chung đồ như: Nấm, hắc lào, lang ben...

Tuổi dậy thì, cơ quan sinh dục phát triển, lông và dịch tiết nhiều, đặc biệt trong mùa Hè nắng nóng nên cần biết vệ sinh cá nhân đúng cách như: Giặt đồ lót thường xuyên; chọn chất liệu khô thoáng, thấm hút mồ hôi; sử dụng dung dịch chuyên biệt và không dùng chung đồ với bạn.

Cùng đó, phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ những kỹ năng mềm sống trong tập thể như biết nhường nhịn, sẻ chia với bạn cùng phòng, hỗ trợ nhau học tập, tránh xảy ra xung đột, gây cẳng thẳng sẽ ảnh hưởng kết quả học tập.

Không chỉ vậy, giai đoạn đầu mới nhập học, phụ huynh cũng cần sát sao với nhà trường để hỗ trợ các em làm quen nhanh môi trường mới. Chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường về tính cách, thói quen và thậm chí những hạn chế trẻ đang gặp để thầy cô cùng hiểu và đồng hành tốt hơn.

“Luôn quan tâm, gần gũi với học sinh nên giáo viên trường nội trú có thể hiểu rõ năng lực, ước mơ, hoài bão của học trò. Từ đó, thầy cô định hướng cho các em trong học tập, cuộc sống. Mỗi giáo viên phải là tấm gương về sự nỗ lực đạt được ước mơ để học sinh học và noi theo…”, cô Lê Thị Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT huyện Đắk Glong chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học nội trú: Chuẩn bị hành trang cho trò