Sau Tết, bố của Xồng Y N. đến trường xin lại sách vở của con về để gửi sang nhà chồng. “Đến gặp thầy cô, nhìn thấy bạn bè của con vẫn đang được đến trường vô tư, bố của N. bật khóc vì thương con…”, thầy Đặng Ngọc Hùng kể lại.
Nhà Xồng Y N. ở bản Buộc Mú 2, cách trường 7 - 8km nên từ năm lớp 6 em đã ở bán trú. Bố em còn là cán bộ xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn). Nhắc đến con gái, giọng người bố nghẹn ngào: “Tiếc lắm! Không phải tự hào nhưng con bé được thầy cô khen học toàn diện, chăm chỉ, ngoan ngoãn. Năm lớp 6, con tổng kết được 8,3 điểm cao gần nhất khối. Hôm con bị bắt vợ, tôi không ở nhà. Đi công tác về thì nghe vợ và hàng xóm nói con bị nhà chồng bắt về bên Lào rồi”!
“Tôi cũng xin cho con gái được về Việt Nam, ít nhất là học cho hết lớp 9 nhưng họ không chấp nhận. Theo phong tục, nhà trai đã ‘bắt vợ’ thì con gái không được về nhà bố mẹ đẻ nữa. Mình không can thiệp thì tội con nhiều lắm, mà can thiệp thì sợ con lại ăn lá ngón tự tử mất, nên đành chịu thôi…”, bố của N. bất lực nói.
Theo lời kể của bố N., nhà trai ở tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và có anh em họ hàng con cô con cậu với gia đình mình. Vì vậy, dịp Tết hàng năm họ vẫn thường sang Việt Nam chơi, thăm thân. Năm nay thấy N. đã lớn nên bắt về làm vợ. Điều oái oăm là chồng của N. từng đi du học ở Việt Nam tại Trường ĐH Luật Hà Nội, vừa mới tốt nghiệp. Cô bé sau khi lấy chồng vẫn muốn được đi học nhưng không thể về trường cũ. Bên nhà chồng cũng có trường lớp, nhưng dạy học bằng tiếng phổ thông và chữ viết Lào nên N. không thể theo được.
Từ dịp sau Tết đến nay, Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em, cao nhất huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Trong đó, số học sinh lấy chồng lấy vợ là 11 em, còn lại nghỉ học theo gia đình di cư hoặc đi làm. Theo thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng, trường có khoảng 95% học sinh là người Mông. Do tập tục tảo hôn và đặc tính di cư của người dân, nên nhiều năm nay, tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn. Nhà trường đã có nhiều giải pháp tuyên truyền thường xuyên trong suốt năm học nhưng vẫn chưa chấm dứt được.
“Học sinh lấy chồng, lấy vợ sớm có nguyên nhân liên quan đến tâm lý lứa tuổi, và còn xuất phát từ phong tục, tập quán bắt vợ, bắt chồng. Bên cạnh đó, hiện nay thông tin liên lạc thuận tiện hơn. Dù nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong khu bán trú nhưng các em vẫn âm thầm liên lạc với nhau. Cá biệt có em học sinh lớp 6 của trường, chỉ sau 1 đêm đã vượt rào khu nhà ở bán trú và bị bắt vợ sang xã Mường Lống, cách Na Ngoi hơn 80km”, thầy Hùng cho hay.
Thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) - chia sẻ, xã có 100% bản người Mông sinh sống. Đặc trưng của học sinh Mông rất chăm chỉ, chuyên cần, nhất là những em ở bán trú thì thầy cô không cần lo lắng về nền nếp và ý thức học tập. Chỉ có việc lấy chồng, lấy vợ rồi bỏ học là điều lo ngại nhất của nhà trường. Công tác tuyên truyền cũng phải khéo léo, cẩn trọng vì sợ học sinh… tự tử. Đã từng có trường hợp trong xã vì bị ngăn cản lấy chồng lấy vợ mà ăn lá ngón dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Theo thống kê của Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, trên địa bàn hiện có 154 học sinh nghỉ học. Trong đó nhiều nhất là những trường chiếm phần lớn học sinh người Mông như: Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống nghỉ học 20 em, Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Típ nghỉ học 18 em…