Các em sẽ chọn một trong nhiều chủ đề trò chuyện được lập trình sẵn trong CoolE Bot như giao lưu với bác sĩ, nhiếp ảnh gia; nhập vai thám tử để phá án... Trong khi các chatbot đời cũ chỉ cung cấp các câu trả lời được thiết kế sẵn thì CoolE Bot có thể tự tạo câu trả lời để bồi đắp đoạn hội thoại với người dùng.
Theo ông Chen, CoolE Bot cũng có thể đánh giá độ chính xác, lưu loát, cách phát âm của học sinh. Các em có thể thực hành bao nhiêu lần tuỳ thích để nâng cao khả năng của mình. Nếu ngập ngừng, học sinh có thể “nhờ” chatbot chuyển sang câu hỏi khác để tiếp tục trò chuyện.
Công cụ này có thể ngăn nội dung không phù hợp khi trò chuyện. Ví dụ, nếu học sinh chửi thề hay nói một chủ đề phản cảm, chatbot sẽ trả lời rằng: “Nhập liệu không đúng. Vui lòng thử lại”. Ước tính, mỗi tháng, khoảng 30.000 học sinh đang sử dụng CoolE Bot và thực hiện khoảng một triệu cuộc hội thoại.
Đơn cử, học sinh lớp tiếng Anh của cô giáo Claire Mei Ling Wu, Trường THCS Er Chong bắt đầu sử dụng chatbot CoolE Bot từ khi công nghệ này được ra mắt hồi cuối tháng 12/2022. Trước đây, học sinh thường ngại ngùng khi nói tiếng Anh với bạn bè hoặc giáo viên nhưng cô Wu nhận thấy, khi nói chuyện với CoolE Bot, học sinh mạnh dạn, tự tin hơn.
Học sinh Eva Zi Yu Huang, 13 tuổi, bày tỏ: “Công cụ này rất thú vị. Cháu có thể học tiếng Anh với CoolE Bot”.
Trong những năm gần đây, Đài Loan đặt mục tiêu người dân sẽ sử dụng song ngữ tiếng Trung và tiếng Anh vào năm 2030 khi nền kinh tế chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hiện đại hoá như dữ liệu số, điện toán đám mây... Trong đó, lĩnh vực sản xuất yêu cầu khả năng sử dụng tiếng Anh.
Theo Microsoft