"Dù sự việc bắt đầu từ nguyên nhân nào, hành động của học sinh như vậy cũng không thể chấp nhận", cô Trân nói và buồn bã khi "đi làm đến quyền phê bình học sinh cũng bị tước mất".
Nữ giáo viên này chưa đủ thông tuệ để biết hết các từ ngữ phi giáo dục ra sao nhưng bao nhiêu thế hệ học trò cũ của cô từng “bị” như vậy mà chúng vẫn lớn lên, thành công và nhớ đến cô bằng những câu chúc trong những dịp lễ tết.
Hậu quả của nuông chiều, bao bọc đến mù quáng
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc học sinh vô lễ với thầy cô không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng chưa từng thấy học sinh có hành vi tác động lên cơ thể giáo viên xuất hiện liên tục như bây giờ.
Cùng với rất nhiều áp lực giáo viên đang gánh trên lưng hiện nay, nếu không sớm chấn chỉnh, sẽ còn nhiều thầy cô không muốn trụ lại với nghề. Họ sẽ tìm nghề khác nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn.
Cô giáo ở Tuyên Quang bị học sinh ném dép vào đầu ngất xíu. (Ảnh cắt từ clip)
Chuyên gia này cũng thừa nhận, giáo dục đang quá "nóng" trong việc cấp bách đổi mới nhưng cùng với đó, cũng nên chú trọng hơn đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức của học trò.
Vị phó hiệu trưởng cũng chỉ ra trong số nhiều nguyên nhân dẫn những hành vi vô đạo đức cũng có trách nhiệm trong sự việc thiếu chuẩn mực của con em mình.
Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn với công việc, bỏ bê con cái cho nhà trường giáo dục, khi con mắc lỗi thay vì phân tích, chỉ dạy lại quát mắng gây áp lực thêm cho trẻ dẫn tới các em càng sinh ra bất mãn. Ông Nam cho rằng quá trình giáo dục học sinh không chỉ của giáo viên, mà cần sự phối hợp của nhà trường và bố mẹ.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng suy đồi đạo đức, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, trước hết giáo viên phải nắm rõ tâm lý của học sinh theo từng lứa tuổi. Trong một số trường hợp chúng ta không cần quá cứng rắn, sự mềm mỏng có khi lại đạt hiệu quả giáo dục cao.
Cần tăng cường tích hợp vào các môn học những bài giảng, kỹ năng để giảng dạy cho học sinh để các em có một góc nhìn về giá trị sống, được tưới tẩm các giá trị đạo đức thay vì chú trọng điểm số mà quên đi phải “thành nhân trước khi thành danh”.
Và trên mạng xã hội, cơ chế quản lý thông tin, những câu chuyện bạo lực, tiêu cực phải được quản lý chặt chẽ để các em học sinh không tự bơi trong biển thông tin hỗn độn để rồi dễ dàng bị tiêm nhiễm những trào lưu, văn hóa xấu độc từ nước ngoài trong khi khả năng chắt lọc thông tin thì không có.
Bên cạnh đó công tác tham vấn, tư vấn học đường cho học sinh, xây dựng chuyên đề, chương trình rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh, các tổ chức đoàn, đội tổ chức các hoạt động lan tỏa sự tích cực cũng rất cần thiết giúp giải quyết vấn đề này.