Học sinh lựa chọn học nghề giải bài toán thừa thầy, thiếu thợ

30/03/2024, 07:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở nhiều cấp độ ngành nghề, trình độ đào tạo và lĩnh vực chuyên môn diễn ra khá phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy.

Tuy nhiên gần đây, nhiều học sinh đã lựa chọn học nghề để có định hướng công việc phù hợp, phát triển được tiềm năng, thế mạnh của bản thân.

Từ công tác định hướng

Tại các quốc gia phát triển, định hướng nghề nghiệp được chú trọng từ rất sớm, ngay sau cấp học THCS. Nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng người học, giáo dục của phần lớn các nước đều có xu hướng phân thành 2 luồng chính: Luồng hàn lâm phát triển theo hướng học lên đại học khoa học công nghệ và luồng nghề nghiệp phát triển theo hướng đào tạo kỹ thuật - nghề nghiệp ở các trình độ trung học, cao đẳng, đại học.

Ở Việt Nam, hiện nay học sinh cấp trung học phổ thông ngày càng định hình được rõ ngành nghề theo học dựa trên nhu cầu việc làm và thị trường lao động. Căn cứ vào lực học và điều kiện gia đình, số lượng học sinh lựa chọn học nghề sau bậc trung học phổ thông, thậm chí ngay sau kết thúc chương trình THCS có xu hướng gia tăng.

Đáng chú ý, trong vài năm gần đây, số lượng và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS theo học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sự gia tăng mạnh, gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Lựa chọn này nhằm rút ngắn thời gian học tập, giảm tải áp lực học tập cho các em học sinh, đồng thời để các em nhanh chóng gia nhập vào thị trường lao động, góp phần giải quyết tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đến lựa chọn ngành nghề phù hợp

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Nguyễn Quang Đức (19 tuổi, Chí Linh, Hải Dương) đã rất đắn đo giữa việc lựa chọn học đại học hay đi học nghề. Sau khoảng thời gian cân nhắc, nhận thấy đại học không phải con đường duy nhất, bạn trẻ này đã quyết định theo học chương trình đào tạo 1 năm nghề điện tử dân dụng tại một trung tâm dạy nghề ở Hà Nội.

“Từ nhỏ tôi đã có đam mê với nghề điện, thích tìm tòi, tháo lắp các thiết bị điện tử. Năm cấp 2 được học lắp mạch điện trong bộ môn Công nghệ, tôi nhận thấy đây là môn học thú vị và thích hợp với năng khiếu của mình.

Ban đầu, tôi có ý định thi vào Trường Đại học Điện Lực, tuy nhiên sau khi nghiêm túc nhìn nhận lực học của bản thân và điều kiện của gia đình, tôi nhận thấy học nghề là lựa chọn phù hợp nhất. Chương trình học nghề với thời gian ngắn hơn so với chương trình đại học giúp tôi có thể nhanh chóng đi làm, có thu nhập để giải quyết áp lực kinh tế cho gia đình”, Nguyễn Quang Đức chia sẻ.

Cơ hội việc làm đa dạng, thị trường làm việc rộng mở cũng là một trong những lý do Đức đưa ra lựa chọn theo học nghề này. Đức cho biết anh đã tìm hiểu mức lương trung bình của thợ điện hiện nay là khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, tăng dần khi đã dày dặn kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao.

Trong quá trình học, Đức được đào tạo bài bản từ kiến thức lý thuyết tại nhà trường và sau đó là trực tiếp vận dụng vào thực hành ở một số xí nghiệp, công ty và các khu công nghiệp, chế xuất để nhanh chóng thành thục các kỹ năng nghề.

Được biết sau khi hoàn thành chương trình học, Đức và các học sinh khác sẽ được nhà trường hỗ trợ giới thiệu đi thực tập tại các doanh nghiệp để tiếp cận thị trường việc làm. Trong quá trình thực tập, nếu nhận thấy năng lực tốt và phù hợp, các học sinh sẽ được giữ lại làm việc.

Có thể thấy, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, học nghề đã không còn là lựa chọn “bất đắc dĩ”. Trước ngã rẽ buộc phải lựa chọn cho tương lai của mình, không chỉ Đức mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay đang mạnh dạn tìm lối đi mới cho bản thân, lựa chọn học nghề ngắn hạn.

Tại các nền kinh tế phát triển trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp đặc biệt được chú trọng, được coi là yếu tố quyết định, định hướng nhằm nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, nhắc đến du học, nhiều người vẫn lầm tưởng chỉ có những trường đại học danh giá, các ngành học hàn lâm với mức chi phí đắt đỏ. Tuy nhiên thực tế, một hướng đi khác đang vô cùng phát triển và có tương lai hứa hẹn, đó chính là du học nghề, trở thành công dân toàn cầu.

Giới trẻ hiện nay đang có cái nhìn thức thời, không còn nhất quyết theo đuổi những ngành học hàn lâm, ngành “hot” mà họ có thể bị thay thế bởi robot nếu không đủ giỏi và đam mê. Không lựa chọn đi theo lối mòn, họ cởi mở hơn và có xu hướng thực tế khi lựa chọn các lĩnh vực ngách đầy tiềm năng với cơ hội việc làm rộng mở như nghề chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc thú cưng, ẩm thực, pha chế…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh lựa chọn học nghề giải bài toán thừa thầy, thiếu thợ