Học sinh thí nghiệm thả trứng từ tầng ba không vỡ

18/05/2023, 15:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thí nghiệm thả trứng, tìm hiểu sự sống trong giọt nước... là những hoạt động mà các học sinh được trải nghiệm trong ngày hội Vượt qua thử thách tại trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội).

Sáng 18/5, Lê Vũ Ngọc Tuấn - học sinh lớp 6, trường THCS Dịch Vọng - là một trong những học sinh đầu tiên có mặt tại gian trại Tìm hiểu sự sống trong giọt nước. Lần đầu được trải nghiệm quan sát mẫu nước dưới kính hiển vi quang học, Ngọc Tuấn rất thích thú.

"Em bất ngờ khi nhìn thấy sự sống bên trong những giọt nước nhỏ, trong đó có trùng roi xanh và một vài loại vi khuẩn khác", Tuấn kể.

Cơ hội để trải nghiệm khoa học

Tuấn cho biế em được quan sát mẫu nước mưa ngâm rơm rạ trong 5 ngày. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, Tuấn từng bước thực hiện.

kham pha STEM anh 1

Ngọc Tuấn lần đầu được trải nghiệm quan sát mẫu nước dưới kính hiển vi quang học. Ảnh: Ngọc Bích.

Ban đầu, nam sinh sử dụng ống hút để lấy mẫu nước và nhỏ 1-2 giọt xuống ống lam kính. Tiếp đến, em lấy vài sợi bông đặt lên mẫu vật và đặt lên bàn kính. Nam sinh được giáo viên hỗ trợ khi gặp khó khăn ở việc lấy ánh sáng và chỉnh kính.

"Em xoay các vật kính lên độ phóng đại cao hơn để quan sát dễ hơn và khá bất ngờ khi chỉ trong một giọt nước lại có nhiều sinh vật như vậy", Tuấn nói và cho biết những trải nghiệm này gợi cho em sự tò mò, thúc đẩy em tìm hiểu khoa học.

Cô Đỗ Thị Luận (giáo viên phụ trách môn Khoa học Tự nhiên, người trực tiếp hướng dẫn) cho biết với thí nghiệm quan sát này, cùng với sự hỗ trợ của giáo viên, học sinh được tự tay nuôi cấy mẫu và tiến hành quan sát. Thông qua đó, các em thấy được thế giới sinh vật rất đa dạng, phong phú.

"Bên cạnh đó, học sinh còn được học các kỹ năng sử dụng kính hiển vi. Khi bài học gắn liền với thực tế, việc tự tay làm và tự phát hiện sẽ giúp các em thấy thích thú hơn, khơi gợi sự tò mò tìm hiểu khoa học", cô Luận cho biết.

Trong khi Ngọc Tuấn mải mê với những thí nghiệm, Lê Đức Hòa - học sinh lớp 6, trường THCS Dịch Vọng - chuẩn bị tham gia vòng chung kết phần thi STEM Egg Drop Experiment - Thí nghiệm thả trứng.

Với phần thi này, học sinh phải vượt qua thử thách “Làm thế nào để thả quả trứng từ tầng ba xuống mà không vỡ, đồng thời phải rơi đúng tâm hình tròn?”. Hòa cho biết đây cũng là lần đầu tiên em cùng các bạn được tự tay thiết kế, đánh giá, thử nghiệm và đưa ra đề xuất cải thiện để thực hiện thành công thí nghiệm trên.

kham pha STEM anh 2

Sản phẩm giữ an toàn cho quả trứng được nhóm của Hòa thực hiện trong 3 ngày. Ảnh: Ngọc Bích.

"Chúng em tự lên ý tưởng, chọn nguyện liệu, thiết kế và vận dụng các kiến thức môn Khoa học Tự nhiên, nhất là môn Vật lý để thực hiện. Với sự hỗ trợ của giáo viên, chúng em mất 3 ngày để hoàn thành mô hình và thử nghiệm giữ an toàn cho quả trứng khi thả từ tầng ba", Hòa kể.

Không chỉ 2 thí nghiệm trên, tham gia ngày hội Vượt qua thử thách do trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức, học sinh các cấp đã được trực tiếp trải nghiệm và khám phá khoa học ở nhiều lĩnh vực như Vật lý, Hóa học, Sinh học...

Cô Ngô Thị Phương Thanh, giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn, bộ môn Khoa học Tự nhiên 2, trường THCS Dịch Vọng, cho biết thông qua các trải nghiệm thực tế, học sinh được tiếp xúc gần gũi hơn với khoa học, từ đó phát triển các năng lực Khoa học Tự nhiên, đồng thời khơi gợi được sự yêu thích, đam mê của trẻ đối với nghiên cứu khoa học.

Khi giấy vụn trở thành trang phục thời trang

Không chỉ khám phá khoa học, ngày hội Vượt qua thử thách còn có nhiều sự kiện, phần thi khác thu hút học sinh như tranh biện tiếng Anh, thi piano, nhảy dân vũ, đá bóng, các lớp kỹ năng sống...

Sải bước trên "sàn diễn" với bộ trang phục làm bằng giấy báo cũ và túi ni lông, Phạm Hà Anh (học sinh lớp 8, trường THCS Dịch Vọng) nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.

kham pha STEM anh 3

Hà Anh hy vọng có thể lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường. Ảnh: Ngọc Bích.

Với sự tự tin, rạng rỡ, kết hợp cùng bộ trang phục sáng tạo, Hà Anh hy vọng có thể lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường. Nữ sinh cho biết để hoàn thành chiếc váy có tên "Công chúa tái chế", em và các bạn cùng lớp phải mất gần 2 tuần để thực hiện, từ khâu lên ý tưởng, thiết kế, đến cắt ghép từng tầng váy...

"Ở nhà, chúng em có rất nhiều túi nilon đã qua sử dụng cũng như các loại giấy báo, chúng em tận dụng, tái chế để sáng tạo ra những bộ trang phục đẹp mắt. Thông qua các hoạt động, chúng em cũng đoàn kết hơn để cùng nhau vượt qua các thử thách", Hà Anh chia sẻ.

Bên cạnh các bộ trang phục từ phế liệu, học sinh các lớp của trường THCS Dịch Vọng còn tham gia làm các sản phẩm tái chế như túi xách từ ống hút, bình hoa, giá sách từ bìa các tông, bàn cờ tướng làm từ nắp chai...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh thí nghiệm thả trứng từ tầng ba không vỡ