Chủ trương của Đại học Quốc gia TPHCM là xây dựng một hệ thống chung, để đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, triển khai đồng bộ hệ thống quản lý học tập LMS, hệ thống bài giảng trực tuyến MOOCs. Sau khi Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng thành công hệ thống này, học sinh đăng ký học tập các tín chỉ, sau đó tham gia làm bài kiểm tra.
Tổ chức hình thức học tập này không quá khó, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nhận định và lưu ý: Nếu triển khai đề án trên, trước mỗi học kỳ, các trường đại học sẽ công bố danh mục môn học cho học sinh THPT. Hệ thống đăng ký tín chỉ cũng mở cho học sinh với mã số tạm để ghi nhận kết quả học tập.
Theo ông Nhân, khi tổ chức chương trình, học sinh cần được học chung với sinh viên đại học. Điều này đảm bảo các em học tập, làm bài, kiểm tra như sinh viên thực thụ để đạt chất lượng học tập tốt nhất. “Vấn đề nằm ở học sinh. Liệu các em có thể sắp xếp được thời gian học tập chính khóa THPT và tham gia học tập ở giảng đường hay không. Dĩ nhiên việc học tập là tự nguyện, những em mong muốn tham gia sẽ có cách sắp xếp phù hợp”, ông nhìn nhận.
Ở góc độ giáo viên THPT, TS Nguyễn Thị Huyền Thảo - Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) đề nghị nên thí điểm chương trình này cho học sinh các trường chuyên, năng khiếu, đánh giá hiệu quả rồi mới tính đến mở rộng ở các trường THPT khác. “Học sinh ở trường chuyên, năng khiếu có khả năng tiếp nhận kiến thức, tự học tốt và biết sắp xếp thời gian nên việc học trước một số tín chỉ đại học sẽ phù hợp với những em có thể đảm bảo việc học”, cô Thảo giải thích.
Về hình thức học tập và thi cử, theo TS Thảo, có thể linh động trực tuyến hoặc xen kẽ trực tuyến, trực tiếp. Các em chỉ nên học một số tín chỉ thuộc chương trình chung (đại cương), không nên học chuyên ngành. Ví dụ, học sinh THPT có năng lực học tập tốt, có thể học một số môn như Lịch sử Văn minh thế giới, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam… ở ngành Lịch sử bậc đại học.
Học sinh Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (TPHCM) tham quan học tập và trải nghiệm một ngày làm sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: HCMUT |
Năm 2021, Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép học sinh các trường chuyên được thi và công nhận hoàn thành một số tín chỉ ở các môn cơ bản đang giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng. Đại học Quốc gia TPHCM từng có đề án đề xuất học sinh giỏi Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) có thể học và thi tín chỉ một số môn học ở chương trình đại học. Tuy nhiên, các đề xuất trên chưa được triển khai do trở ngại về vấn đề học phí, cách thức cấp tín chỉ, tổ chức…
Theo nhiều chuyên gia, ngoài tổ chức cho học sinh THPT học tín chỉ đại học ra sao, các trường đại học phải tính đến yếu tố môn học phù hợp với năng lực học sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, trong kế hoạch cho học sinh cấp THPT học tín chỉ đại học, sẽ có những quy định cụ thể về năng lực. Dù áp dụng cho học sinh tài năng ở tất cả trường phổ thông, không chỉ khu trú trường chuyên, năng khiếu, song học sinh muốn theo học chương trình, phải có năng lực, tố chất nhất định.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đồng tình khi cho rằng, cho học sinh học trước tín chỉ đại học phải tính yếu tố phù hợp năng lực, phẩm chất người học. Ông nhấn mạnh, đối tượng áp dụng nhất thiết phải là em có tố chất, tài năng vì chương trình đại học yêu cầu những nhân tố có đủ phẩm chất, năng lực mới có thể tham gia chương trình học.
“Ở các nước trên thế giới, có học sinh 14 tuổi đã bước chân vào giảng đường đại học, thậm chí có trường hợp 11 - 12 tuổi. Như vậy, gia đình đỡ phải đầu tư, xã hội không phải bỏ nhiều thời gian, công sức; học sinh rút ngắn được thời gian và đơn vị tuyển dụng cũng có thể nhận được những lao động có tài, làm việc được trong thời gian ngắn”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết thêm.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường Đại học Công Thương TPHCM đề xuất, nếu mô hình này được thí điểm thành công ở Đại học Quốc gia TPHCM, có thể tiến hành mở rộng cho các trường đại học khác.
Cũng theo ThS Sơn, không chỉ cho học sinh học trước tín chỉ đại học mà còn có thể rà soát, công nhận những kiến thức đã học ở cấp THPT. Chẳng hạn, nhiều môn học cơ bản ở các trường chuyên, năng khiếu có lượng kiến thức tương tự như một số môn đại cương bậc đại học, có thể xem xét để công nhận tín chỉ tương đương. “Nếu kiến thức đã học thì không nên tiếp tục dạy lại, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc của người học”, ông Sơn lý giải.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định, với hướng đi đột phá này, có thể giải quyết bài toán nhân lực ở nhiều ngành có nhu cầu lớn hiện nay.
Ông lấy dẫn chứng thực trạng nguồn nhân lực ở ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn và cho rằng, nếu các trường đại học không mạnh dạn đổi mới trong đào tạo, rất khó đáp ứng nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội. “Ngoài đẩy mạnh mở rộng quy mô đào tạo của cơ sở đào tạo, phải nghĩ ra những cơ chế để giúp chúng ta tìm ra con người đầy đủ tố chất trong thời gian ngắn nhất”, ông nói.