Vì thế khi được hỏi, đa phần học sinh đều thể hiện sự hào hứng, nhưng không khỏi lo âu, sợ hãi về nguy cơ nhiễm bệnh.
Em Trần Đức Duy, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Ngô Quyền, quận Lê Chân cho biết: Năm cuối cấp, em và các bạn lo lắng về chất lượng các môn học. Đi học trực tiếp tốt hơn nhiều nhưng chúng em cũng ngại rằng dịch bệnh vẫn đang phức tạp. Vì thế, với những học sinh còn được đến trường đều phải thực hiện nghiêm quy định phòng dịch để bảo vệ sức khoẻ bản thân.
Giúp trò thích ứng
Để hạn chế rủi ro và đảm bảo an toàn nhất có thể đối học sinh khi quay trở lại trường, theo bà Liễu, có nhiều việc phải làm. Công tác chuẩn bị trường lớp, các điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh phòng dịch; phương án, kịch bản dự phòng để xử lý tình huống phát sinh theo yêu cầu của ngành y tế. Sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe cho học sinh là những yếu tố hết sức quan trọng để tránh rủi ro và đảm bảo an toàn cho các em.
Đảm bảo an toàn học sinh, để phụ huynh, nhân dân an tâm với việc cho trẻ quay trở lại học, các nhà trường phải chú ý: Trường lớp khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên; thực hiện đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế; đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong thời điểm dịch bệnh còn phức tạp, việc chung sống với môi trường dịch bệnh là tất yếu, các thầy cô cần lạc quan, tin tưởng, chăm sóc bản thân. Đồng thời lan toả tinh thần tích cực đến với học sinh.
Không được chủ quan lơ là, nhưng cũng không căng thẳng, hoảng hốt, quá mức. Cần bình tĩnh để giải quyết vấn đề. Không nên cấm học sinh tương tác với các bạn trong lớp sẽ dẫn đến cực đoan tâm lý cho các em.
Thời gian đầu học sinh tới trường, giáo viên cần nới lỏng, để các em thích ứng lại với sinh họat, học tập ở trường. Việc đuổi kịp chương trình, hay kiểm tra khảo sát kiến thức là không nên. Thầy cô dành một lượng thời gian nhất định cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.
Bà Nguyễn Thuý Liễu nhấn mạnh: Sức khoẻ thể chất của học sinh thời gian này quan trọng hơn cả. Lúc này cần tổ chức hỗ trợ về tâm lý cho các em thích nghi lại với mọi hoạt động tại trường học.
Thầy cô thường xuyên trao đổi với học sinh về những lo âu khi quay lại trường. Chia sẻ cho các em những kỹ năng phát hiện và ứng phó với dịch bệnh. Cùng các em giải đáp những băn khoăn, thắc mắc. Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường, tổ chức lại Phòng Tư vấn tâm lý trong các trường học để hỗ trợ các nhu cầu tâm lý.