Học sinh viết muốn làm văn giải toán để khai bút đầu năm

22/01/2023, 20:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ khi còn học THCS, Nguyễn Thị Thu Hà (sinh 2005 - Bình Phước) đã viết những mong muốn trong năm mới để khai bút và cầu mong may mắn.

Khai bút là nghi thức được nhiều học sinh thực hiện vào các ngày đầu năm của Tết Nguyên đán. Ảnh: Trường Hà Nội VIP.

Hiện tại, Nguyễn Thị Thu Hà, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước), vẫn giữ thói quen khai bút như trên.

Đêm giao thừa vừa rồi, khi chuông đồng hồ điểm qua 0h ngày mùng 1 tháng giêng, nữ sinh này đã ngồi vào bàn học cầu nguyện, sau đó viết những điều mong muốn đạt được trong năm mới vào một tờ giấy A4.

Khai bút xong, Thu Hà liền gấp tờ giấy A4 lại và cho vào một phong bì giấy nhỏ (do nữ sinh này tự gấp) rồi để gọn trong ví tiền. Theo Hà, đây là cách giúp em thường xuyên mang theo giấy khai bút bên mình để nhắc nhở bản thân phải cố gắng đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Đa dạng cách học sinh khai bút đầu năm

Ban đầu khi mới biết đến khai bút, Thu Hà đã tự lên Internet để tìm hiểu về nghi thức này. Qua một khoảng thời gian dài giữ thói quen khai bút đầu năm, đến hiện tại, đối với Hà, nghi thức này chính là một nét đẹp văn hóa của người Việt.

Hoc sinh khai but anh 1
Phong bì đựng giấy khai bút năm Quý Mão 2023 của Thu Hà. Ảnh: NVCC.

Khai bút giúp Hà có thêm niềm tin rằng năm mới sẽ gặp nhiều may mắn; nếu bản thân nỗ lực, kiên trì học tập thì sẽ đạt được thành công. Mỗi lần khai bút, Hà sẽ viết các mong muốn của bản thân trong năm mới theo thứ tự và gạch đầu dòng cụ thể.

Giống như Hà, Trần Ngọc Đoan Yên, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Thánh Tông (quận 7, TP,HCM), cũng khai bút bằng cách viết những mong muốn của bản thân trong năm mới.

Từ khi lên lớp 10, Yên đã viết khai bút. Nữ sinh cho biết bản thân đã nghe bạn bè nhắc về nghi thức này trước đó, vì cảm thấy vui nên em thực hiện theo. Hiện tại, Yên xem khai bút như một cách để mang lại may mắn cho năm học sau.

Mỗi năm, Đoan Yên sẽ khai bút vào một giờ khác nhau. Có khi, nữ sinh này khai bút sau thời khắc giao thừa. Một số năm khác, Yên lại khai bút vào ngày mùng 2.

"Độ dài, ngắn về nội dung khai bút của em sẽ phụ thuộc vào những gì bản thân em mong muốn trong năm mới", Yên nói.

Cách lưu giữ giấy khai bút của Đoan Yên cũng rất đặc biệt. Nữ sinh cho biết bản thân đã viết khai bút vào một quyển vở riêng. Mỗi năm, Yên sẽ khai bút vào một tờ giấy của quyển vở này.

Khác với Yên và Hà, Hữu Linh - học sinh lớp 12 tại một trường chuyên ở TP Vinh (Nghệ An) - bắt đầu viết khai bút sớm hơn. Theo đó, từ khi học lớp 2, nam sinh này đã được mẹ chỉ viết khai bút.

Hồi Linh học tiểu học, nội dung khai bút đầu năm của em thường là một bài tập toán hoặc bài tập tiếng Việt. Đến khi lên cấp học THCS, THPT, nam sinh chọn khai bút bằng cách giải một bài tập toán dễ. Sau khi giải xong, Linh sẽ không giữ lại những tờ giấy này.

"Đối với em, khai bút như một lần giải bài tập toán vào ngày đầu năm. Tuy nhiên, nó vẫn có ý nghĩa nhất định và là truyền thống của gia đình em. Em nghĩ nếu đầu năm mà giải bài tập toán trôi chảy thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn. Vì vậy, em thường chọn bài toán dễ để khai bút", Linh nói.

Thông thường, mỗi năm, mẹ của Linh sẽ tham khảo ý kiến của một người thầy phong thủy trong họ hàng để xem giờ và ngày phù hợp, giúp Linh khai bút thuận lợi, cả năm may mắn. Năm nay, Linh đã khai bút ngày mùng 1 tháng giêng lúc 7h sáng.

Hoc sinh khai but anh 2
Hữu Linh chọn khai bút bằng cách giải bài tập toán đầu năm. Ảnh: NVCC.

Khai bút không bắt buộc đối với học sinh

Chia sẻ với Zing, TS Lý Tùng Hiếu - giảng viên chính khoa Văn hóa học - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết khai bút không phải là nghi thức bắt buộc đối với học sinh. Nghi thức này vốn là phong tục của một vài nghề nghiệp và một số tầng lớp xã hội xưa.

TS Hiếu thông tin ngày xưa, các nho sĩ thường khai bút đầu năm bằng cách làm thơ hoặc viết câu đối. Sau đó, họ sẽ treo tờ giấy khai bút trong nhà hoặc cất giữ để làm kỷ niệm.

Hiện nay, dù khai bút không bắt buộc đối với học sinh, TS Hiếu cho biết các em vẫn tìm thấy niềm vui và niềm tin may mắn thông qua nghi thức này. TS Hiếu nhận định đây là một tín hiệu đáng mừng, học sinh có thể tận dụng ý nghĩa tinh thần của khai bút để tạo nên tự tạo nên "dấu ấn" cá nhân trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, TS Hiếu thông tin thêm khai bút còn là một nghi thức chuyển tiếp, chuyển mạch cần thiết để học sinh chia tay với những ngày nghỉ ngơi trong Tết Nguyên đán và quay trở lại với công việc học tập của năm mới.

TS Hiếu chia sẻ theo truyền thống, sau Tết Nguyên đán, các trường học sẽ thực hiện nghi thức khai trường; các công sở, đình làng, nhà việc làm nghi thức khai ấn. Đi đôi với nghi thức này là khai bút, một công việc thú vị mà các thầy đồ, nho sinh, quan lại thường làm trong những ngày đầu năm để ghi lại những điều tâm đắc, nêu cao chí hướng và bày tỏ niềm hy vọng. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, việc khai bút đều không quy định người thực hiện phải viết vào một ngày, giờ cụ thể nào.

"Khai bút là một nghi thức mang tính chất cá nhân, nó không có ngày, giờ thực hiện cố định và cũng không quy định người viết phải khai bút bằng nội dung gì. Học sinh có thể tự do chọn giờ, ngày và nội dung khai bút dựa trên ý thích của cá nhân. Làm văn, giải toán hay viết mong muốn, mục tiêu của bản thân trong năm mới cũng là những cách khai bút rất hay", TS Hiếu nói.

Đối với học sinh, khai bút sẽ tạo niềm hy vọng cho các em vào một năm mới thành công như những gì bản thân đã viết. Vì vậy, TS Hiếu khuyên học sinh nên lựa chọn những nội dung nhẹ nhàng để viết khai bút. Các em không nên suy nghĩ quá nhiều và đặt yêu cầu quá cao về khai bút như phải giải một bài toán thật khó hay làm một bài văn thật dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh viết muốn làm văn giải toán để khai bút đầu năm