Ngay sau khi có đề tham khảo, thầy cô tiếp tục phân tích ma trận, cấu trúc đề, đối sánh với đề thi năm trước, từ đó nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch, bổ sung, xây dựng mới để ôn luyện sát với đề tham khảo. Kế hoạch ôn tập cũng luôn dự trù những tình huống có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, sẵn sàng chuyển đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến; đồng thời quan tâm, có hình thức hỗ trợ đến những học sinh phải tạm thời dừng đến trường vì dịch bệnh. Để trang bị cho học sinh kỹ năng làm bài và tập làm quen với các dạng của đề thi, hầu hết trường học đều chủ động xây dựng kế hoạch thi thử hiệu quả, thiết thực.
Có thể nhận thấy, dù dạy học trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng so với những năm trước, thí sinh dường như giảm được khá nhiều áp lực trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sự “giảm nhiệt” này có nhiều nguyên nhân: Kết quả kỳ thi không còn là chìa khóa gần như duy nhất mở cánh cửa vào đại học. Phương thức thi ổn định. Đề thi có cấu trúc quen thuộc, vừa sức; trong đó có đến 70 - 75% là câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao chỉ khoảng 20 - 30%... Ngoài ra, một trong những “van giảm áp” quan trọng chính là sự chủ động chuẩn bị từ sớm của nhà trường và người học; coi trọng dạy học ở cả quá trình, không chỉ mỗi kỳ thi. Việc học nghiêm túc, có chất lượng từ đầu năm, học sinh học đến đâu vững kiến thức đến đó, triển khai kế hoạch ôn tập sớm… khiến áp lực không còn dồn vào thời gian trước kỳ thi.
Với sự chuẩn bị chủ động, quan tâm thiết thực đến người học từ cơ quan quản lý giáo dục đến từng nhà trường, học sinh sẽ chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiệu quả, chất lượng, nhưng không căng thẳng, áp lực.