Nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 do quá lo lắng và muốn trẻ vượt trội nên sớm cho luyện chữ, tập đọc, làm tính…
Điều này không chỉ gây áp lực với trẻ mà còn khiến giáo viên vất vả khi trong lớp, học sinh có 2 “trình độ”.
Chị Nguyễn Thị Hoài (quận Ba Đình, Hà Nội) từng có trải nghiệm “dở khóc dở cười” khi cho con học lớp tiền tiểu học. Con có thể đánh vần, viết nhanh hơn so với bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng, chị Hoài nhận ra, cô giáo chỉ dạy kiến thức, không quan tâm con bị ngọng hay ngồi học sai tư thế.
“Con bị ngọng chữ ‘l’ và ‘n’ nên vào lớp 1, thầy cô rất vất vả để điều chỉnh”, chị Hoài nói và chia sẻ thêm, từ trải nghiệm của con đầu, đã rút kinh nghiệm với con thứ 2, không cho học tiền lớp 1, thay vào đó mẹ chủ động dạy các kỹ năng cần thiết.
“Tôi dạy kỹ năng chăm sóc bản thân, chia sẻ về cấp học mới, tham quan trường tiểu học… giúp con hứng thú học tập thay vì học trước kiến thức. Với điều chỉnh này, gần kết thúc năm học lớp 1, con được cô giáo đánh giá hoàn thành tốt chương trình học tập; năm học đầu cấp cũng trôi qua nhẹ nhàng”, chị Hoài nói.
Nhiều năm dạy lớp 1, đồng thời có con từng trải qua năm học này, cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) thấu hiểu tâm lý lo lắng của không ít phụ huynh.
“Nhiều gia đình cho con học trước kiến thức để đỡ vất vả trong quá trình học lớp 1. Tuy nhiên, bố mẹ cần nhận thức rằng, ở trường mầm non, trẻ được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp, đủ để tiếp nối lên cấp học tiếp theo. Vào lớp 1, các em sẽ được thầy, cô dạy đọc, viết những nét chữ đầu đời. Vì thế, bố mẹ không nên lo lắng quá mà ép trẻ học trước, vô tình tạo áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, đánh mất sự hào hứng, tìm tòi, kiên trì, tư duy sáng tạo và động lực học tập”, cô Thanh Thảo nói.
Ngoài ra, cô Thảo thẳng thắn chỉ ra những khó khăn học trò dễ gặp nếu học tiền lớp 1 sai cách. Cụ thể như, đa số phụ huynh chỉ chú trọng cho con học kiến thức mà quên dạy kỹ năng cầm bút, ngồi học đúng tư thế. Đặc biệt, cách đọc và đánh vần của phụ huynh áp dụng theo sách cũ, chưa cập nhật chương trình mới nên khi vào học chính thức, thầy cô vất vả trong quá trình giảng dạy.
Thậm chí, một số em biết trước kiến thức nên không tập trung trong giờ học, làm việc riêng và ảnh hưởng đến bạn xung quanh… Mặt khác, học sinh vào lớp 1 được học các môn mới mang tâm lý khám phá nên khi biết trước kiến thức sẽ không còn hào hứng với bài học trên lớp; chủ quan, chán nản vì tiết học toàn dạy điều cũ.
“Sự lo lắng của phụ huynh làm trẻ mất đi cơ hội vui chơi, rèn luyện các kỹ năng cần thiết hoặc cùng bạn bè khám phá môn học; khả năng ngồi tập trung nghe giảng, kiên trì luyện chữ cũng rất kém. Như vậy, khi lên lớp tiếp theo với lượng kiến thức lớn hơn, các em sẽ khó bắt nhịp kịp”, cô Phương Thảo nhấn mạnh.
Cô trò Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, TP Hà Nội). Ảnh: NC |
Cô Nguyễn Thị Liễu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội) nhìn nhận, ở lớp mẫu giáo 5 tuổi, các em được làm quen với chữ cái, chữ số. Tuy nhiên vào lớp 1, trường tiểu học có các tiết học làm quen, giáo viên sẽ dạy học sinh tư thế ngồi học, cách cầm bút, làm quen nét chữ… nên không nhất thiết phải học trước. Nếu trẻ học tiền lớp 1 không đúng cách dễ mắc các lỗi như sai tư thế ngồi học, điểm đặt bút và quy trình viết. Lúc đó, vất vả cho cả học sinh lẫn giáo viên.
“Trong chương trình lớp 1 có 2 tuần để học sinh làm quen nên cha mẹ cần bình tĩnh. Thậm chí có trường đón học sinh khối 1 trong tháng 8 để làm quen với trường lớp do đó phụ huynh nên cho trẻ hưởng kỳ nghỉ hè thoải mái nhất. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cho con học tiền tiểu học nhưng không quan tâm đến hiệu quả.
Một số lớp tiền tiểu học không đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn phòng học, bàn ghế, ánh sáng như ở trường; nếu giáo viên dạy tiền tiểu học chưa từng dạy lớp 1 hoặc không phải giáo viên tiểu học sẽ không hiểu yêu cầu của chương trình mới, kỹ năng cần có, cách đánh giá học sinh… Từ đó, gây khó khăn cho thầy cô, nhà trường quá trình dạy và học sau này”, cô Liễu lưu ý.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý giáo dục, TS Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành công (Hà Nội) nhấn mạnh, để giảm áp lực cho trẻ trước khi vào lớp 1, việc đầu tiên cần làm là giúp trẻ muốn đến trường, thích học tập. Như vậy, phụ huynh cần kích thích sự hiểu biết, lòng ham thích đi học. Ví như, dẫn trẻ tham quan trường tiểu học, kể những câu chuyện thú vị về việc học tập để khơi dậy sự tò mò, mong muốn đi học.
Phụ huynh lưu ý, không mang thầy cô giáo, trường lớp để dọa trẻ kiểu như: “Con tới trường không ngoan, không học tốt, viết xấu, bẩn… cô giáo sẽ phạt, chép lại bài, đánh vào tay”. Thay vào đó, hãy rèn cho các em thói quen gọn gàng, ngăn nắp, cách giữ gìn sách vở; để đồ dùng học tập đúng vị trí. Cùng trẻ trang trí góc học tập gọn gàng, sạch sẽ tại nhà; cho trẻ quyền chọn mẫu mã, màu sắc bàn ghế, tủ kê ở góc học tập theo sở thích để tạo cảm hứng học tập và trách nhiệm, ý thức gìn giữ…
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Giai đoạn trẻ chuẩn bị vào lớp 1 được xem như bước ngoặt quan trọng, với nhiều bỡ ngỡ ở môi trường mới. Để trẻ tự tin hơn, bố mẹ nên kể về những trải nghiệm vui thú vị khi vào lớp 1. Ngoài ra chuẩn bị kỹ năng mềm như: Tự xúc cơm, thay quần áo, vệ sinh cá nhân và cách sử dụng nhà vệ sinh; cách giao tiếp với thầy cô, bạn bè để tạo tự tin khi bước vào môi trường học tập mới”.