GD&ĐT vùng ĐBSCL tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học, được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình. Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vùng ĐBSCL vẫn có một số chỉ số về GD&ĐT đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước. Số lượng các cơ sở giáo dục được kiểm định ngày càng tăng. Từ việc chỉ có Trường ĐH Cần Thơ vào những năm đầu thế kỷ 21, hiện nay 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học. Tại các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, tình hình GD&ĐT tại vùng ĐBSCL còn những tồn tại, hạn chế nhất định với lí do khách quan về vị trí địa lý của vùng do đặc trưng về địa bàn sông nước kênh rạch, việc đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực còn khó khăn. Xây dựng cơ sở vật chất chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu phòng học, nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc. Tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Chất lượng PCGD, xóa mù chữ cũng như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước…
Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương ĐBSCL nhìn lại quá trình 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW, bàn giải pháp "nâng trũng, vun cao" cho giáo dục ĐBSCL. Qua đó có những quyết sách quan trọng để phát triển GD&ĐT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo GD&TĐ tiếp tục cập nhật thông tin.