'Hồi sinh' rối cổ, tỏa sáng vẻ đẹp xưa

25/04/2024, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với 450 năm tồn tại, rối cạn làng Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức, Hà Nội) đã dần “hồi sinh” sau thời gian dài bị quên lãng.

May mắn là vào năm 2001, cụ Phạm Văn Bể được địa phương ủng hộ đất để xây dựng thủy đình biểu diễn phục vụ bà con trong làng, và cũng là cách để bảo tồn rối cổ. Năm 2023, khu thủy đình tiếp tục được khởi công, mở rộng cả quy mô lẫn chất lượng nhằm thu hút khách du lịch đến làng.

“Xã hội phát triển và thay đổi nên chúng tôi cũng phải thay đổi để rối cổ sống được với đương đại. Vậy nên gần đây, bên cạnh các vở diễn kinh điển kể chuyện lịch sử, chúng tôi đã sáng tạo những trò diễn mới hiện đại gần gũi với cuộc sống hơn. Đồng thời, thông qua trò diễn nhằm phê phán các thói hư tật xấu, biểu dương tấm gương tốt, chuyển tải thông điệp giáo dục đối với người trẻ”, nghệ nhân Phạm Công Bằng cho hay.

Thủy đình - nơi phường rối Tế Tiêu biểu diễn kết hợp rối cạn với rối nước.
Thủy đình - nơi phường rối Tế Tiêu biểu diễn kết hợp rối cạn với rối nước.

Một trong những cách đem rối cổ đến gần hơn với giới trẻ chính là việc tham gia biểu diễn ngoại khóa tại các trường học. Thời gian qua, anh Bằng cũng như các thành viên của phường rối Tế Tiêu đã tích cực tập luyện và đưa các tiết mục có tính giáo dục cao đến các trường ở địa phương.

Những câu chuyện và những tích trò được kể từ những chú rối không chỉ mang giá trị giáo dục đạo đức, mà còn góp phần giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. Để phục vụ cho một buổi biểu diễn múa rối ở trường học, việc khó khăn nhất là di chuyển, lắp ráp sân khấu. Đồng thời, sáng tạo ra câu chuyện và chuyển tải thông điệp sao cho phù hợp với lứa tuổi các em.

Khi tấm màn nhung của sân khấu kéo ra, giọng giáo đầu cất lên: “Xin chào bà con, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Tiếng đối đế đồng loạt: “Không xưng danh thì ai biết là ai?”. Thế rồi tiếng sáo, tiếng đàn hòa cùng tiếng người giáo đầu: “Ừ thì lão xưng danh đây, xưng danh đây – Lão đây là lão Trượng/Ở phường rối Tế Tiêu/Lão ra có đôi điều/Cùng bà con cô bác...”.

Và vở diễn bắt đầu, tích trò cũng thế mà mở ra những câu chuyện thật hay. Những chú rối cạn với từng cử điệu mềm mại như thật, hòa cùng giọng nói, âm thanh, “ngôn ngữ cơ thể” rối hòa nhịp cùng nghệ nhân khiến cho vở diễn trở nên chân thật nhưng cũng không kém phần sang trọng.

Qua mỗi vở diễn, các em học sinh không chỉ hiểu sâu giá trị cuộc sống, mà còn thấy rõ những giá trị của văn hóa và nét đẹp truyền thống mà cha ông xưa đã tạo dựng.

“Dù rối cạn Tế Tiêu đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, song để bảo tồn và phát triển thì vẫn là bài toán khó. Ngoài việc đưa múa rối vào trường học, biểu diễn tại thủy đình, trưng bày con rối... thu hút du lịch, chúng tôi còn song hành việc đào tạo, truyền nghề để thế hệ trẻ có thêm tình yêu với văn hóa cổ truyền, để cùng nhau gìn giữ giá trị và vẻ đẹp của người xưa" - Nghệ nhân Ưu tú Phạm Công Bằng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoi-sinh-roi-co-toa-sang-ve-dep-xua-post680462.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoi-sinh-roi-co-toa-sang-ve-dep-xua-post680462.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hồi sinh' rối cổ, tỏa sáng vẻ đẹp xưa