Không gian tối đen như mực, ai có đèn pin đi trước
Cũng bị ngạt khói trong lúc cứu nạn, cứu hộ trong vụ cháy và đang điều trị tại bệnh viện, hạ sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhớ lại hôm đó, tổ của anh có 4 người, được lệnh triển khai đường vòi chữa cháy từ mặt chính ngôi nhà lên tầng 3.
“Khi lên tới tầng 3, chúng tôi gặp nhiều nạn nhân trong phòng và còn sống nên phá cửa cứu người đưa xuống dưới. Khung cảnh lúc đó “tối tăm mịt mù”, nhiều người hoảng loạn nên chúng tôi phải trấn an họ bình tĩnh lại” - hạ sĩ Tuấn nói.
Theo hạ sĩ Tuấn, một số nạn nhân khi lực lượng chức năng tiếp cận sức khỏe đã yếu và cán bộ, chiến sĩ nhường mặt nạ phòng độc và bình thở cho họ. “Chúng tôi được rèn luyện và tập huấn các sự cố trong tình huống tương tự và tính được sự an toàn cho tất cả để nắm được thời điểm vàng đưa người xuống nhanh nhất” - hạ sĩ Tuấn nói.
Sức nóng bên trong hiện trường làm da các chiến sĩ PCCC bỏng rát.
Hạ sĩ Tuấn cho biết thêm, trong quá trình cứu nạn bản thân bị kiệt sức và được đồng đội đưa ra ngoài nghỉ ngơi, rồi yếu dần đi. Khi tỉnh dậy thì thấy mình đang trong bệnh viện.
“Cá nhân tôi hay bất cứ chiến sĩ PCCC đều không có suy nghĩ gì chỉ mong cứu được nhiều người nhất có thể. Tôi cũng không thể nhớ được là đã cứu được bao nhiêu người trong vụ cháy vì trong đó rất hỗn loạn và tập trung cứu người… nên cứ gặp ai là cố hết sức đưa ra ngoài” - hạ sĩ Tuấn cho biết.
Còn theo binh nhất Bùi Trung Hiếu, bên trong hiện trường vụ cháy lúc đó rất tối, mặc dù mọi người có đèn pin nhưng cũng không nhìn thấy gì vì bị cắt điện, cứ đi theo nhóm, ai có đèn pin đi trước còn mọi người đi sau...
“Đến tầng 3 chúng tôi phát hiện 4 người nên đã hỗ trợ đưa nạn nhân xuống. Sau đó bình oxy của tôi cạn hết và có dấu hiệu ngạt khói, đồng thời cấu kiện trên cao rơi xuống và bị ngã dẫn tới bị thương” - binh nhất Hiếu chia sẻ.
Đồng chí Đinh Thị Lan Duyên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thăm hỏi động viên các chiến sĩ cảnh sát PCCC bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Trước đó, hơn 23h ngày 12/9, xảy ra vụ cháy tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có diện tích trên 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
15 xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cùng các xe chở phương tiện và hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng PCCC Bộ Công an, Trường Đại học Cảnh sát PCCC và các lực lượng thuộc Công an thành phố, đến hiện trường phối hợp tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Lực lượng chức năng đã cứu được hơn 70 người mặc kẹt trong đám cháy, đưa người bị thương đi cấp cứu tại các Bệnh viện trên địa bàn thành phố. Tính đến ngày 13/9, xác định được 56 người tử vong và 37 người bị thương.
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông đã thăm hỏi, động viên chiến sĩ bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ
Ngày 13/9, đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an quận Hà Đông đã thăm hỏi, động viên 4 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, 4 chiến sĩ PCCC bị ngạt khói, đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103 gồm: Lê Quang Khải, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Trung Hiếu, Nguyễn Tuấn Hùng.