Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ hoàn thành chậm nhất ngày 20/7. Muộn nhất ngày 22/7, các Sở GD&ĐT sẽ công bố kết quả tốt nghiệp THPT.
Việc in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh hoàn thành muộn nhất ngày 24/7.
Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT cho biết, trong số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi năm nay, có hơn 37.000 thí sinh tự do, chiếm 3,69% tổng số thí sinh.
Thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là hơn 47.000 em, chiếm 4,66%. Thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học hơn 34.000 em, chiếm 3,33%. Thí sinh vừa xét tốt nghiệp, vừa tuyển sinh hơn 943.000 em, chiếm 92,91%.
Không rời khỏi phòng suốt thời gian thi trắc nghiệm
Trong ngày làm thủ tục, thí sinh đến điểm thi để nắm sơ đồ phòng thi, nghe phổ biến quy chế, trong đó cán bộ coi thi sẽ nhắc nhở, lưu ý thời gian gọi thí sinh, thời gian làm bài, những vật dụng thí sinh không được phép mang vào phòng thi…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; một bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần vật lý, hóa học, sinh học; một bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn thi thành phần lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, các môn thi thành phần gồm: Lịch sử, địa lý.
Thời gian làm bài thi môn ngữ văn 120 phút, môn toán 90 phút, ngoại ngữ 60 phút.
Các bài thi khoa học xã hội, khoa học tự nhiên mỗi môn thi thành phần kéo dài 50 phút.
Thí sinh không được rời khỏi phòng thi suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm.
Với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài nhưng phải nộp bài kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Trong thời gian dự thi, trường hợp cần thiết, cấp bách thí sinh ra khỏi phòng thi phải chịu sự giám sát của cán bộ coi thi.
Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng điểm thi quyết định.
Thí sinh xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân trước khi vào phòng thi.
Mỗi buổi thi, thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được vào điểm thi để dự thi.
Trước khi làm bài thi, thí sinh phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo ngay với cán bộ trong phòng thi để được xử lý.
Thí sinh được/không được làm gì?
Về những vật dụng được mang vào phòng thi, quy chế quy định, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý.
Thí sinh không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu để làm bài thi hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi, không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
Trong bài thi, thí sinh chỉ được viết bằng một màu mực, không được dùng mực màu đỏ.
Cảnh giác với gian lận thi cử
Trả lời báo chí ngày 26/6, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho biết, gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là vấn đề đã được Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an cảnh báo từ nhiều năm qua.
Đồng thời những giải pháp được đưa ra để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn giảm thiểu cao nhất gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.
Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.
Việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.
Ngành Công an bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc buôn bán thiết bị công nghệ cao.
Để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng.
"Một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ông đã đến làm việc với nhiều địa phương, gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút.
Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Trước thềm kỳ thi, ông mong các em sẽ mang tinh thần này để bước vào kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.
Với phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, lãnh đạo Bộ GD&ĐT mong phụ huynh dành sự quan tâm nhắc nhở các em để thực hiện đúng quy chế thi.
Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi, Thứ trưởng yêu cầu "4 đúng, 3 không" để hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng.