Ngày 11/5, hơn 11.500 thí sinh chính thức bước vào kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Năm nay, thí sinh dự thi ở 291 phòng thi; trong đó, tại Quy Nhơn có 5 phòng thi, với 169 thí sinh. TP Đà Nẵng có 5 phòng thi, với 243 thí sinh. Hà Nội có 11 điểm thi, 281 phòng, với 11.125 thí sinh.
Năm nay, số thí sinh tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2023. Có mặt tại điểm thi từ trước 6h, thí sinh Đỗ Thị Thu Phương đến từ Văn Giang (Hưng Yên) vẫn tranh thủ ôn bài trước khi bước vào phòng thi.
Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thu Phương đăng ký duy nhất kỳ thi này để “ứng tuyển”. Thu Phương chia sẻ: “Em tin tưởng chất lượng của kỳ thi này. Đến trường thi, em được đón tiếp, hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ nên không bị bỡ ngỡ, lạc lõng”.
Ước mơ của Thu Phương là giáo viên Ngữ văn do đó, sau khi có kết quả của kỳ thi, em sẽ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 là sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Thí sinh Đỗ Thị Thu Phương tranh thủ ôn bài trước khi vào phòng thi. |
Dù có chút hồi hộp trước khi bước vào phòng thi, nhưng Nguyễn Công Đạt quyết tâm vượt “vũ môn” để đạt kết quả cao nhất. Thí sinh này đến từ Đan Phượng (Hà Nội) và dự định xét tuyển vào khoa Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
“Với em, tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một trải nghiệm. Em sẽ nỗ lực hết mình để đạt kết quả cao nhất, nhằm tăng cơ hội trúng tuyển vào đại học” – Công Đạt bộc bạch.
Thí sinh Nguyễn Công Đạt làm thủ tục vào phòng thi |
Theo đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm mới của kỳ thi năm nay là, ngân hàng câu hỏi được bổ sung, cập nhật, chú ý định hướng phương thức mới của Bộ GD&ĐT sau năm 2025. Ngoài ra, Hội đồng thi bố trí thêm hai điểm thi là: Đại học Đà Nẵng và Học viện Báo chí & Tuyên truyền.
Thí sinh phải làm các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học.
Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Thí sinh và người nhà luôn được chỉ dẫn, hỗ trợ nhiệt tình. |
Lịch thi như sau:
Ca thi | Giờ thi | Môn thi | Thời gian thi | Môn thi | Thời gian thi |
Ca 1 | 07h15 – 08h45 | Toán | 90 phút | ||
Ca 2 | 09h15 - 10h45 | Ngữ văn | 90 phút | Tiếng Anh | 60 phút (09h15 – 10h15) |
Ca 3 | 13h15 – 14h15 | Vật lý | 60 phút | Lịch sử | 60 phút |
Ca 4 | 14h45 – 15h45 | Hóa học | 60 phút | Địa lý | 60 phút |
Ca 5 | 16h15 – 17h15 | Sinh học | 60 phút | Tiếng Anh | 60 phút |
Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Thí sinh đến Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để dự thi đánh giá năng lực - sáng 11/5. |
Các thí sinh trong phòng thi. |
Cấu trúc các bài thi và thời gian làm bài cụ thể như sau:
Bài thi | Hình thức | Thời gian (phút) | |
Trắc nghiệm | Tự luận | ||
Toán | 70 % | 30 % | 90 phút |
Vật lý | 70 % | 30 % | 60 phút |
Hóa học | 70 % | 30 % | 60 phút |
Sinh học | 70 % | 30 % | 60 phút |
Ngữ văn | 30 % | 70 % | 90 phút |
Lịch sử | 70 % | 30 % | 60 phút |
Địa lý | 70 % | 30 % | 60 phút |
Tiếng Anh | 80 % | 20 % | 60 phút |
Kết quả bài thi được 9 trường đại học công nhận bao gồm:
+ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,
+ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2,
+ Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh,
+ Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế,
+ Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng,
+ Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên,
+ Trường Đại học Vinh,
+ Trường Đại học Quy Nhơn,
+ Trường Đại học Y Dược Thái Bình.