Chính sách giáo dục

Hơn 116 nghìn tỷ đồng phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2026 - 2030

Châu Anh 22/05/2025 13:56

(GDTĐ) - Ngày 22/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho lứa tuổi này trên phạm vi toàn quốc, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ em.

z66264018559600d64feea1fb66a7449b88e3c17721f0a-1747880833026742940036.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đọc Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (Ảnh: VGP/Nhật Bắc - Báo Điện tử Chính phủ)

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 5,1 triệu trẻ em theo học tại các trường và cơ sở giáo dục mầm non, trong đó tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đạt khoảng 93,6%. Tuy nhiên, vẫn còn gần 300.000 trẻ chưa được đến trường, phần lớn sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thực trạng này tạo nên khoảng cách rõ rệt trong cơ hội tiếp cận giáo dục ở các vùng miền.

Cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non hiện vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn quốc chỉ đạt 84,8%, trong khi nhiều địa phương vẫn phải sử dụng gần 3.000 phòng học tạm hoặc đi mượn. Riêng tại các trường mầm non công lập, tỷ lệ phòng học kiên cố thấp hơn, chỉ đạt khoảng 76,6%. Đội ngũ giáo viên cũng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu giảng dạy, với tỷ lệ trung bình mới đạt 1,87 giáo viên trên mỗi lớp học.

Trước tình hình đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi trên toàn quốc. Dự thảo Nghị quyết đề xuất đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, đảm bảo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên đầy đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. Chính phủ cũng cam kết bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện mục tiêu, trong đó ngân sách Nhà nước sẽ tăng chi bổ sung ngoài mức 20% tổng chi cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục, đồng thời khuyến khích xã hội hóa giáo dục và huy động các nguồn lực hợp pháp khác.

Theo tính toán, tổng kinh phí cần thiết để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2026–2030 là hơn 116.314 tỷ đồng. Trong đó, hơn 91.800 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào xây dựng, nâng cấp trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ dạy học. Lộ trình thực hiện sẽ được chia theo từng năm học, đảm bảo tiến độ và tính khả thi tại từng địa phương.

Một thách thức lớn khác là vấn đề thiếu giáo viên mầm non. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu giáo viên cần bổ sung là gần 64.000 người. Trong đó, khoảng 47.400 giáo viên cần được tuyển thêm để đáp ứng tỷ lệ định mức theo quy định, và 16.500 giáo viên cần để thực hiện mục tiêu phổ cập. Giai đoạn 2026–2030, cần bổ sung khoảng 37.375 biên chế giáo viên. Chính phủ sẽ phải có phương án cụ thể về tuyển dụng, đào tạo và phân bổ đội ngũ này theo từng năm.

Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đánh giá cao tính cấp thiết của Nghị quyết, đồng thời tán thành với các nội dung, phạm vi và mục tiêu đặt ra trong dự thảo. Việc phổ cập giáo dục mầm non không chỉ thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho thế hệ tương lai, mà còn góp phần thực hiện công bằng trong giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững cho đất nước.

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể, toàn diện về nhu cầu và khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt tại các địa phương khó khăn. Đồng thời, khuyến khích tăng cường xã hội hóa giáo dục, từ đó giảm áp lực lên ngân sách nhà nước và hỗ trợ tốt hơn cho công cuộc phổ cập giáo dục mầm non.

Với quyết tâm chính trị cao, cùng cam kết từ Quốc hội và Chính phủ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030 không chỉ là một mục tiêu giáo dục, mà còn là bước tiến dài hướng tới phát triển toàn diện cho trẻ em và nâng tầm hệ thống giáo dục quốc gia trong giai đoạn mới.

Bài liên quan
Đề xuất phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 116 nghìn tỷ đồng phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2026 - 2030