Sài Gòn 24/7

Hơn 200.000 cây ở TP HCM được kiểm tra, tránh gãy đổ ra sao?

12/08/2024 14:45

Đơn vị quản lý dùng xe nâng, máy siêu âm, khoan thân kiểm tra nhưng chưa ghi nhận hết cây rỗng ruột, dễ gãy đổ, việc phát hiện chủ yếu dựa vào quan sát, kinh nghiệm.

Tình trạng cây trồng ở TP HCM tươi tốt nhưng thân rỗng, rễ mục rồi gãy đổ gây sự cố không phải hiếm. Gần nhất hôm 9/8 nhánh dầu đường kính 20-30 cm, dài 10 m ở công viên Tao Đàn, quận 1, gãy rơi xuống làm hai người chết, ba bị thương. Hồi tháng 4/2023, cây me lớn một người ôm ở sân trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, bất ngờ bật gốc đè 6 người bị thương. Cây xanh này trước đó được kiểm tra và ghi nhận vẫn ra hoa, phát triển bình thường.

Cây phượng tại trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận 1, bị mục rỗng thân nhưng vẫn tươi tốt, nở hoa trước khi ngã đè trúng 6 người, hồi tháng 4/2023. Ảnh: Đình Văn

Cây phượng tại trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận 1, bị mục rỗng thân nhưng vẫn tươi tốt, nở hoa trước khi ngã đè trúng 6 người, hồi tháng 4/2023. Ảnh: Đình Văn

TP HCM đang có hơn 200.000 xanh trồng trên hơn 1.200 tuyến đường, được chia thành 4 loại, gồm: cây mới trồng, loại 1, 2, 3. Trong đó, những cây loại 2 và 3 thuộc diện trồng lâu năm, có kích thước lớn và cũng là nhóm tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ. Đây đang là loại tập trung nhiều ở các tuyến đường trung tâm thành phố, trường học, cơ quan, công sở...

Đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP HCM) cho biết theo quy trình hiện nay việc kiểm tra, chăm sóc cây được thực hiện thường xuyên, định kỳ. Nhân viên cây xanh sẽ kiểm tra và phát hiện khiếm khuyết của cây dựa trên nhiều tiêu chí như: tán lá không đồng đều, nghiêng, rễ nổi, thân bị bọng, mục... Từ đó, họ sẽ đưa ra biện pháp chăm sóc, tỉa nhánh hoặc đốn hạ để trồng cây mới. Trong 5 tháng đầu năm nay, khoảng 700 cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ ngã đổ ở thành phố đã được xử lý.

Tuy nhiên quá trình kiểm tra cây xanh trên địa bàn, các đơn vị hiện chủ yếu dựa theo quan sát bằng mắt thường và kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn chứ chưa có máy móc chuyên dụng. Do vậy, đối với phần rễ cây nằm dưới lòng đất hoặc những nhánh cao 20-30 m nếu bị khiếm khuyết rất khó nhận biết.

Năm 2013, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM - đơn vị đang quản lý hơn 80.000 cây xanh công cộng ở thành phố, đã triển khai hệ thống máy "siêu âm" dùng bước sóng kiểm tra các dấu hiệu sinh trưởng, sâu bệnh của cây. Nhưng theo đại diện công ty này, giải pháp trên chỉ mới thí điểm, chưa thực hiện đại trà do phải chờ xây dựng hệ thống dữ liệu về cây xanh ở địa bàn để xác định tiêu chí đánh giá cụ thể.

"Cây ở thành phố có hàng trăm chủng loại, mỗi loại lại có những đặc điểm như độ cứng, sinh trưởng khác nhau nên công ty đang phối hợp với Đại học Tự nhiên phân tích, lập cơ sở dữ liệu để đưa ra quy chuẩn chung trước khi ứng dụng rộng rãi", đại diện Công viên cây xanh TP HCM nói.

Nhân viên Công ty công viên cây xanh TP HCM dùng mũi khoan vào thân để kiểm tra khiếm khuyết, độ rỗng của cây ở công viên Tao Đàn, năm 2022. Ảnh: Minh Bằng

Nhân viên Công ty công viên cây xanh TP HCM dùng mũi khoan vào thân để kiểm tra khiếm khuyết, độ rỗng của cây ở công viên Tao Đàn, năm 2022. Ảnh: Minh Bằng

Ngoài giải pháp trên, một phương án được đơn vị thực hiện là khoan vào cây để kiểm tra khiếm khuyết. Nhưng việc này chủ yếu thực hiện được ở phần thân mà khó kiểm tra các nhánh phía trên do cần thiết bị, xe thang cao. Đơn vị quản lý cây xanh đã sắm thang cao 24 m nhưng chưa thể kiểm tra hết vì có nhiều cây còn cao hơn.

Chưa kể khi kiểm tra, những phương tiện chuyên dụng sẽ chiếm một phần mặt đường nên việc tổ chức rất khó trong điều kiện các tuyến đường ở thành phố đông xe, dễ gây ùn tắc, phát sinh nguy hiểm. "Do đó, các đơn vị đang nghiên cứu tìm giải pháp phù hợp để kiểm tra, chăm sóc cây xanh", đại diện công ty nói.

PGS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, cho biết cây xanh tại khu vực trung tâm TP HCM nhiều loại trồng trên 30 năm, phát triển thành cổ thụ nhưng chưa được chú ý đến cắt tỉa điều chỉnh độ cao tán, ngọn cây phù hợp.

"Phần lớn cây mới được cắt tỉa ở tầng dưới, còn phía ngọn phát triển quá cao, nhiều nhánh dài, không đối xứng dễ tét nhánh", ông Hà nói, dẫn chứng trường hợp nhánh cây gây sự cố ở công viên Tao Đàn đã được để quá dài, võng xuống đất nên khả năng bám vào thân bị giảm.

Ngoài ra, theo ông Hà, một số nơi khi trồng lại đổ bêtông, xây bồn gạch, lát đá sai cách khiến rễ cây khó hô hấp, rễ chính dần bị hỏng, chỉ còn rễ tơ, rễ con làm mất khả năng bám trụ.

Về giải pháp ngăn ngừa cây ngã đổ, PGS Hà cho rằng ở trường học, công viên, cơ quan nên chọn một số loại cây tạo bóng mát, thân cành dẻo dai như: bàng lá nhỏ, sao đen, sấu, giáng hương hay gõ đỏ theo từng vùng. Cây nên được kiểm tra định kỳ, theo dõi việc ra hoa, thay lá có đúng quy luật thời tiết. Nếu thấy lá cây đỏ, rụng nhiều, cành lá rũ xuống có thể bị sâu mục bên trọng.

Quan trọng nhất theo ông Hà, cây ở tuyến đường, nhất là khu trung tâm thành phố không nên vượt quá độ cao 20 m. Với những cây cổ thụ, cao từ 30 m trở lên nên được cắt, tỉa cành hoặc tính toán chống đỡ, chia theo từng đợt để chúng không bị suy yếu, chết dần do giông, lốc quật ngã.

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM kiểm tra cây cổ thụ ở công viên Tao Đàn sau sự cố tai nạn gây chết người. Ảnh: Thanh Tùng

Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM kiểm tra cây cổ thụ ở công viên Tao Đàn sau sự cố tai nạn gây chết người. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra cơ quan quản lý nên đầu tư hệ thống máy móc như các nước Singapore, Nhật... kiểm tra mục ruỗng trong thân, nhánh. "Nên xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết dựa trên loại cây, số tuổi, khu vực trồng để rà soát hợp lý", ông Hà nói.

Phía Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết ngoài kiểm tra, cắt tỉa cây xanh thường xuyên, đơn vị còn phối hợp với nhiều nhà trường, công sở để rà soát cây xanh trong khuôn viên, sân trường theo từng đợt.

Sau sự cố nhánh cây rơi ở công viên Tao Đàn, Công ty Công viên cây xanh TP HCM đề xuất dùng flycam hỗ trợ kiểm tra tình trạng cây để dùng cáp neo các cành, nhánh lớn vào thân đối với các loại sao đen, dầu... Đây là những cây trồng nhiều ở khu vực trung tâm TP HCM, có cây cao 50-60 m, thân to 4-5 người ôm, tuổi đời hàng trăm năm. Thành phố từng thống kê có khoảng 3.000 cây dầu lớn ở các quận trung tâm.

Đồng thời, đơn vị đề nghị thuê xe có thang cao 40 m để thu gọn cành nhánh dấu hiệu khiếm khuyết trên đường, công viên; lập tổ gồm kỹ sư, chuyên gia lâu năm, công nhân lành nghề để kịp thời đánh giá rủi ro xử lý cây xanh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 200.000 cây ở TP HCM được kiểm tra, tránh gãy đổ ra sao?