COC2023 do Trung tâm nghiên cứu y tế lâm sàng bệnh tiêu hóa quốc gia và các tổ chức học thuật liên quan đồng tổ chức tại Bắc Kinh. Trên cơ sở phân tích hơn 20.000 bệnh nhân từ hơn 80 trung tâm tại hơn 20 tỉnh thành, hội nghị đã lần đầu tiên công bố báo cáo số liệu 5 năm về phẫu thuật giảm cân và chuyển hóa. Theo đó, số bệnh nhân trải qua phẫu thuật giảm cân và chuyển hóa ở Trung Quốc đạt 10.000 người đầu tiên trong ba năm từ 2018-2021, nhưng chỉ mất một năm từ 2021- 2022 để đạt mốc 10.000 người thứ hai.
Giáo sư Trương Trung Đào (Zhang Zhongtao), Phó viện trưởng Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh thuộc Đại học Y Thủ đô cho biết, hơn 50% người trưởng thành ở Trung Quốc bị thừa cân và béo phì, tỷ lệ người béo phì ngày càng tăng, thậm chí còn vượt tỷ lệ người thừa cân. Ông nhấn mạnh, béo phì đã mang lại những gánh nặng lớn về bệnh tật và kinh tế trên toàn cầu và đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở Trung Quốc. Ước tính đến năm 2030, chi phí y tế của Trung Quốc liên quan đến thừa cân và béo phì sẽ chiếm khoảng 22% tổng chi phí y tế quốc gia.
Trong khi đó, theo giáo sư Trương Bằng (Zhang Peng), Trưởng khoa phẫu thuật chuyển hóa và giảm cân của Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh, sự phân bố địa lý bệnh béo phì ở Trung Quốc không cân bằng, cho thấy xu hướng giảm dần từ Bắc xuống Nam, số người béo phì ở miền Bắc cao hơn miền Nam.
Cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, hầu hết người dân miền Bắc Trung Quốc thích ăn các món làm từ bột mì, trong khi người miền Nam chủ yếu ăn cơm. Mặc dù cả hai đều là carbohydrate, nhưng ăn các món ăn từ bột mì có nhiều khả năng dẫn đến tăng cân hơn. Ngoài thói quen ăn uống, khí hậu cũng là một yếu ảnh hưởng, do miền Bắc thời tiết lạnh giá, người dân ở đây cần ăn nhiều calo để chống lạnh.
Tại hội nghị, giáo sư Trương Trung Đào đã kêu gọi các cơ quan chính phủ và y tế, các bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân béo phì quan tâm nhiều hơn tới căn bệnh này và quản lý cân nặng.
Các chuyên gia cho rằng, béo phì là một bệnh mãn tính độc lập và là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra nhiều bệnh mãn tính khác, việc ngăn ngừa và kiểm soát béo phì có ý nghĩa to lớn đối với việc xây dựng một “Trung Quốc khỏe mạnh”.