Về định hướng giá trị nghề nghiệp, sinh viên cho thấy họ có định hướng nghề nghiệp khá rõ ràng, đại bộ phận sinh viên dự kiến làm việc ở khu vực tư nhân và “khởi nghiệp” đang trở thành một xu hướng quan trọng đối với sinh viên. Hình mẫu lý tưởng trong nghề nghiệp của sinh viên phụ thuộc vào chuyên ngành và những người nổi tiếng các bạn ngưỡng mộ.
Bên cạnh đó, rất nhiều sinh viên có xu hướng muốn chỉ là chính mình với phiên bản tốt nhất trong tương lai. Ba giá trị mà họ đề cao ở nghề nghiệp trong tương lai là “lãnh đạo có tầm nhìn”, “thu nhập cao” và “môi trường làm việc năng động sáng tạo”. Điều này cho thấy sự khác biệt của sinh viên thế hệ gen Z với các thế hệ trước, họ quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc và định hướng phát triển của tổ chức qua vai trò của người lãnh đạo.
“Lên mạng xã hội” là việc sinh viên làm hàng ngày
Mạng xã hội được xác định là một nhân tố tác động lớn đến các khía cạnh đời sống, nhận thức của đại bộ phận sinh viên. Kết quả khảo sát từ 26.331 sinh viên cho thấy, gần như tất cả sinh viên đều sử dụng Facebook và Zalo với tỷ lệ rất cao (97.8% và 97%).
Ngoài Facebook, Zalo, Instagram và Tiktok cũng là hai dịch vụ mạng xã hội được sinh viên sử dụng rất nhiều với tỷ lệ lần lượt là 84.7% và 85.6%. Xu hướng đáng chú ý là sinh viên thường dùng cùng một lúc nhiều dịch vụ mạng xã hội khác nhau. 85,1% sinh viên lựa chọn “lên mạng xã hội” là việc họ làm hàng ngày.
Ngoài mục đích giải trí chiếm tỷ lệ cao nhất với 91,4%, thì 89,8% sinh viên trong mẫu khảo sát này coi mạng xã hội như là kênh để “liên lạc với bạn bè, người thân”. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn là nơi để họ thể hiện quan điểm cá nhân (68%) và xây dựng hình ảnh cá nhân (52,5%)…
Đánh giá về ảnh hưởng của mạng xã hội, sinh viên đều cho rằng ảnh hưởng của mạng xã hội thể hiện cả tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, tích cực thể hiện ở khía cạnh về tiếp nhận thông tin nhanh chóng, mở rộng quan hệ xã hội phục vụ cho học tập, giải trí và công việc.
Ở chiều ngược lại, việc tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội sẽ làm sinh viên bị “lệ thuộc” và “lười suy nghĩ” ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cảm xúc. Bên cạnh đó, còn có không ít trường hợp sinh viên bị lừa đảo, quấy rối tình dục hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội.
Kết quả khảo sát cho thấy 3 địa điểm mà sinh viên chọn để giải trí nhiều nhất là “Ở nhà” (69.6%); “Quán xá” (66.7%) và “Trung tâm mua sắm/siêu thị” (41.8%). Kết quả về địa điểm giải trí là tại gia đình có thể bị ảnh hưởng bởi hệ lụy của đại dịch COVID-19, trong các ý kiến phỏng vấn sâu, sinh viên cũng có đề cập đến ảnh hưởng này. Ngoài việc ăn uống, mua sắm, xem phim thì nhà sách/thư viện cũng là điểm đến được sinh viên ưa chuộng.
Một điểm đáng lưu ý, những trung tâm sinh hoạt thanh thiếu niên hay nhà văn hóa vốn là những nơi thu hút sinh viên tới rất đông trước đây thì hiện nay lại ít được quan tâm khi chỉ có 7,4% sinh viên lựa chọn. Điều này cho thấy có xu hướng chuyển dịch thói quen giải trí từ những không gian tập thể mang tính cộng đồng sang những không gian mang tính cá nhân, nhóm nhỏ gắn liền với nhu cầu tiêu dùng.