Chị Nguyễn Thị Huyền quê Hà Tĩnh và chồng Nguyễn Văn Đức quê Nghệ An đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Dĩ An (Bình Dương) chia sẻ: Từ năm 2019 đến nay, gia đình anh chị không thể về quê mỗi dịp Tết Nguyên đán vì nhiều lý do khác nhau.
Đầu năm nay, cặp vợ chồng đã chủ động lên kế hoạch về quê đón Tết 2024, gom góp ít kinh phí để chuẩn bị cho chuyển đi. Nhưng khi khảo sát giá vé máy bay thì anh chị lại giật mình, đắn đo hủy kế hoạch.
“Giá vé máy bay chặng TP.HCM - Nghệ An từ hơn 5 – 10 triệu đồng/người/vé khứ hồi. Nếu gia đình 3 người đi thì ít nhất cũng mất 17 triệu đồng, công với chi phí di chuyển từ Bình Dương lên sân bay Tân Sơn Nhất, rồi từ sân bay Vinh về Quỳnh Lưu lên đến cả triệu đồng. Đó là chưa kể rất nhiều khoản chi khác", chị Huyền tính toán.
Dạo qua các trang web bán vé máy bay trực tuyến có thể thấy, giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024 trên nhiều chặng bay đang dao động từ 4,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).
Cụ thể, giá vé khứ hồi chặng đi ngày 9/2/2024 (tức chiều 30 Tết) và chặng về ngày 16/2/2024 (mùng 7 Tết) chuyến TP.HCM - Hà Nội của hãng VietJet Air có giá 5.538.000 đồng/vé, Vietnam Airlines: 5.987.000 đồng/vé, Bamboo Airways: 7.203.000 đồng/vé và Vietravel Airlines: 6.130.640 đồng/vé.
Giá vé khứ hồi chặng TP.HCM - Vinh (Nghệ An) của VietJet Air là 5.632.800 đồng/vé; Bamboo Airways có giá 7.154.000 đồng/vé và Vietnam Airlines: 9.928.000 đồng/vé.
Còn chặng TP.HCM – Hải Phòng, vé bay của VietJet Air giá 6.043.200 đồng; Vietravel Airlines: 3.832.000 đồng; Bamboo Airways:6.267.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.010.000 đồng.
Chặng bay Hà Nội - Nha Trang ngày 11/2 (mùng 2 Tết), ngày về 17/2 (mùng 8 Tết) của VietJet Air có giá 5.877.000 đồng; Bamboo Airways: 6.688.000 đồng và Vietnam Airlines: 7.130.000 đồng.
Cũng đi ngày 11/2 và về 17/2, chặng bay Hà Nội - Đà Lạt của VietJet Air có giá 4.613.400 đồng; Bamboo Airways: 7.154.000 đồng. Cá biệt giá vé của hãng hàng không Vietnam Airlines, cao nhất lên tới 9.956.000đồng.
Còn chặng bay Hà Nội - Phú Quốc trong ngày này, giá vé của VietJet Air là 5.693.400 đồng; Vietnam Airlines: 8.318.000 đồng; Vietravel Airlines: 11.070.440 đồng.
Trong khi đó, chặng Hà Nội - Đà Nẵng của VietJet Air là 3.310.800 đồng; Vietravel Airlines: 3.223.280 đồng; Bamboo Airways: 5.102.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.975.000 đồng.
Giá vé máy bay cao ngất không chỉ khiến người dân phải đắn đo khi đặt vé về quê ăn Tết mà cũng khiến nhiều khách du lịch băn khoăn trước khi xuống tiền để đi xa trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Chị Phạm Thị Thảo, đại diện của một đại lý vé máy bay tại phường Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, năm nay giá vé máy bay cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Do kinh tế khó khăn, tỷ lệ người lao động mất việc nhiều, thu nhập hạn chế nên đến thời điểm này vẫn rất ít khách đặt vé. Hiện phòng vé bán được số lượng rất thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với năm ngoái”, chị Thảo nói.
Hãng bay nói gì?
Trả lời PV về việc giá vé máy bay Tết đắt đỏ, đại diện một hãng bay lý giải, dịp Tết Nguyên đán bao giờ cũng là cao điểm nhất năm khi lượng khách tăng đột biến.
“Năm nay, nhiên liệu và tỷ giá cũng cao hơn hẳn. Cụ thể, giá nhiên liệu bay tăng từ hơn 110 USD/thùng lên hơn 130 USD/thùng và tỷ giá cũng tăng khoảng hơn 10%. Đây là những khó khăn trong kinh doanh của hãng, việc tăng giá vé để bù chi phí là cần thiết”, vị này nói.
Cũng theo vị đại diện này, năm nay một số hãng bay đang dần thu hẹp quy mô, giảm số lượng máy bay rất mạnh. Khi nguồn cung sụt giảm nhưng cầu tăng đột biến khiến việc phục vụ đi lại của khách trong dịp Tết sẽ có nhiều thách thức.
Cũng nói về giá vé máy bay Tết, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không thông tin, giá vé do các hãng bay đưa ra phụ thuộc vào chính sách của từng thời điểm và quy luật cung cầu của thị trường.
"Giai đoạn đầu bao giờ các hãng cũng đưa ra giá cao tại một thời điểm nào đấy, vào khung giờ bay nào đấy để phục vụ những ai có điều kiện và có lịch bắt buộc phải đi vào khung giờ và thời điểm đó. Các hãng kỳ vọng ở phân khúc đó bán được với giá cao, còn những khung giờ khác, ngày khác thì giá cũng sẽ khác", ông Thắng nói.
Ông Thắng khẳng định, giá vé các hãng đưa ra hiện vẫn nằm trong khung giá trần quy định. Khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, chắc chắn các hãng sẽ tăng chuyến để khai thác tối đa lượng khách.
"Tuy nhiên, chưa thể khẳng định mức giá cao có thể tồn tại được trong cả giai đoạn Tết, ở tất cả các chặng bay hay chỉ ở một thời điểm. Khi giá vé cao, không bán được thì các hãng bay phải tự điều chỉnh giá cho phù hợp”, ông Thắng nói thêm.
Cục Hàng không cũng theo dõi sát sao và yêu cầu các hãng bay cung cấp số liệu khách hàng đặt vé. Khi lượng khách đạt 70% thì Cục yêu cầu các hãng nghiên cứu đề xuất tăng chuyến để khai thác và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Khi chuyến tăng thêm, nguồn cung tăng thì giá vé cũng sẽ phải điều chỉnh theo thị trường.
Đồng quan điểm, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cũng cho biết, giá vé máy bay nội địa dịp Tết Nguyên đán tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường là điều không bất ngờ, bởi các hãng bay phải tính toán cân đối đường bay, do vận tải nói chung, vận tải hàng không nói riêng dịp Tết thường chỉ đầy một chiều, chiều còn lại cơ bản là ghế trống.
Cùng với đó, các hãng hàng không đang thực hiện bán vé theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định, đồng thời có sự cạnh tranh về giá vé giữa các hãng bay, đường bay.
"Nếu giá vé máy bay cao quá, chắc chắn người dân sẽ hạn chế mua. Do vậy, chắc chắn các hãng đã có sự tính toán kỹ, có thể điều chỉnh để tránh tình trạng ế ẩm", chuyên gia dự báo.