Văn hóa

Hồn Then vang vọng trên đất thiêng

12/07/2025 14:25

Giữa không gian tĩnh lặng, linh thiêng của hồ Nà Nưa, nơi trung tâm thủ đô kháng chiến Tân Trào (Tân Trào, Tuyên Quang), tiếng đàn Tính thánh thót vang lên, hòa cùng giọng hát Then khi mượt mà, khi da diết.

Âm thanh ấy vang vọng không chỉ trong một buổi diễn, mà còn là mạch nguồn văn hóa được gìn giữ và lan tỏa bởi những người đầy tâm huyết như nghệ nhân trẻ Đàm Thị Thanh Hiền.

Từ lời ru của mẹ

Mỗi nghệ sĩ đều có một con đường riêng để đến với nghệ thuật, với chị Đàm Thị Thanh Hiền (30 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính (Tân Trào, Tuyên Quang), con đường ấy được dệt nên từ những sợi chỉ ký ức ấu thơ, âm thanh thân thuộc nhất.

“Trường học” đầu đời của chị là gia đình, mẹ và bà là những người thầy đầu tiên. Chị Hiền cho biết: “Từ khi còn bé, tôi hay theo mẹ đi hát, nghe mẹ gảy đàn Tính, cất lên những câu Then ngân vang giữa núi rừng. Chính từ những lần diễn ấy, tôi đã yêu thích hát Then lúc nào không hay”.

Giọng chị Hiền trầm ấm, từng lời nhẹ nhàng như lời Then xưa, mang theo cả niềm tự hào về cội nguồn văn hóa dân tộc, và một nỗi hoài niệm khó nói thành lời - về những buổi chiều nơi bản nhỏ, tiếng đàn Tính ngân vang trong gió, dáng mẹ gầy gò nhưng cứng cỏi, kiên định giữ gìn nét đẹp truyền thống giữa bao đổi thay của cuộc sống.

Trong không gian văn hóa của làng quê người Tày, tiếng đàn Tính, điệu Then không phải là thứ gì đó xa lạ, cao siêu, mà hiện hữu trong đời sống thường nhật, lễ hội, những buổi sum vầy và cả trong lời ru. Chính môi trường ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn chị, để tình yêu với hát Then ngấm sâu vào máu thịt một cách tự nhiên. Nó không chỉ là một loại hình nghệ thuật, mà là một phần căn tính, “hồn cốt” của dân tộc chị mang trong mình.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Mầm non, vào mỗi Chủ nhật, chị Hiền lại vượt chặng đường hơn 100km để đến nhà nghệ nhân Chu Thạch và nghệ nhân Hà Thuấn (xã Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), với mong muốn được học hát Then, chơi đàn Tính một cách bài bản.

Ngoài việc học từ nghệ nhân, chị còn không quản ngại khó khăn, tới tận các bản làng có đồng bào Tày sinh sống để tìm hiểu, ghi chép tỉ mỉ những làn điệu Then cổ đang dần mai một, như một cách gom nhặt ký ức văn hóa từ khắp miền rừng núi quê hương.

Với mong muốn nhận được sự chia sẻ cùng lan tỏa văn hóa Tày đến với khách du lịch, chị Hiền đã mang đàn đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào biểu diễn. Sự đón nhận nồng nhiệt của du khách đã trở thành một cú hích tinh thần mạnh mẽ và giúp chị nhận ra rằng, những giai điệu mà mình trân quý không chỉ có giá trị trong cộng đồng làng bản, mà còn có sức hấp dẫn đặc biệt với những người từ phương xa.

Từ đó, ngọn lửa đam mê trong chị bùng cháy. “Dần dần, tôi rủ thêm bạn bè, rồi các cô, chị, bạn tầm tuổi tôi thích hát Then cùng nhau tập rồi đi hát theo. Được ủng hộ nhiều, và cứ thế là mình thấy thích”, chị Hiền cho biết.

Cái “thích” đơn sơ ấy chính là khởi đầu cho một hành trình lớn, chuyên nghiệp hơn. Khi Tuyên Quang cho ra mắt sản phẩm du lịch “Hát Then trên hồ Nà Nưa”, một sản phẩm độc đáo kết hợp giữa thưởng thức nghệ thuật và trải nghiệm không gian lịch sử, chị Hiền đã trở thành một trong những nghệ nhân nòng cốt.

“Ngọt ngào như tiếng suối ngàn xưa, ấm áp hơn muôn ngọn lửa hồng, đậm đà hơn muôn ngàn lời ca, là tiếng đàn Tính quê em”, chị Hiền say sưa cất giọng hát, những câu hát vang vọng, bay cao lên đỉnh núi Hồng hùng vĩ, trong vắt như dòng suối Nà Nưa giữa mùa Hè mát lành, long lanh như giọt nắng sớm tinh khôi trên tán lá. Âm thanh ấy đã làm tan chảy, đắm say biết bao tâm hồn du khách.

hon-then-vang-vong-tren-dat-thieng-2.jpg
Với người Tày ở Tuyên Quang, nghệ thuật hát Then mang giá trị văn hóa độc đáo, sức hấp dẫn, quyến rũ, làm đắm say lòng người nhiều thế hệ. Ảnh: Báo tin tức.
hon-then-vang-vong-tren-dat-thieng-3.jpg
Hát Then trên thuyền - trải nghiệm văn hóa độc đáo ở Tuyên Quang. (Ảnh: Báo Quảng Ninh.)

Sáng tạo trên nền di sản

Việc biến một di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là một loại hình nghệ thuật có tính nghi lễ và ngôn ngữ đặc thù như hát Then, thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn là một thách thức lớn. Đó là trăn trở mà chị Hiền và những người đồng hành phải đối mặt.

Nhưng với sự nhạy bén của người làm nghệ thuật và sự thấu hiểu của người làm du lịch, chị đã khéo léo kết hợp giữa ngôn ngữ Tày - Kinh, lồng ghép vào các làn điệu hát Then một cách linh hoạt, nhưng vẫn giữ được hồn cốt vốn có.

“Ngày xưa, các cụ thường sẽ hát bằng tiếng Tày, nên nhiều khách du lịch chỉ nghe được giai điệu mà không hiểu”, chị Hiền phân tích và cho biết, rào cản ngôn ngữ là bức tường lớn nhất. Để phá vỡ nó, chị đã áp dụng phương pháp linh hoạt, sử dụng cả tiếng Tày và tiếng Kinh.

Cách làm này thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với di sản gốc, đồng thời cho thấy sự cởi mở và mong muốn kết nối với công chúng. Việc giữ lại một phần lời hát tiếng Tày giúp du khách cảm nhận được âm sắc nguyên bản, sự độc đáo trong ngôn ngữ và giai điệu. Còn phần lời tiếng Kinh như một chiếc cầu nối, giúp họ nắm bắt được nội dung, câu chuyện và tâm tư mà bài Then muốn truyền tải.

Sự thành công của cách tiếp cận độc đáo này được thể hiện rõ qua những phản hồi đầy hào hứng từ du khách. Chị Hiền chia sẻ: “Hầu như đoàn nào được nghe hát trên hồ xong, khi lên đến bờ cũng khen hay.

Bởi nghe Then giữa không gian mênh mang của hồ Nà Nưa, vừa thư thái, vừa bình yên, tiếng đàn, tiếng hát như ngân vang giữa núi rừng, khiến ai cũng xúc động. Có người còn bảo chắc chắn sẽ quay lại, chỉ để được nghe lại cảm giác ấy một lần nữa”.

Những lời khen ngợi chân thành và sự xúc động từ du khách không chỉ là phần thưởng tinh thần, mà còn là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực bền bỉ của chị Hiền và các nghệ sĩ dân gian trong hành trình giữ gìn, lan tỏa hát Then giữa lòng thiên nhiên.

hon-then-vang-vong-tren-dat-thieng-4.jpg
Nhiều du khách được hướng dẫn sử dụng đàn Tính. (Ảnh: TTXVN.)
hon-then-vang-vong-tren-dat-thieng-5.jpg
Học sinh Tuyên Quang trong một hoạt động về văn hoá truyền thống hát Then, đàn Tính. (Ảnh: NVCC.)

Thông điệp cho giới trẻ

Thành công trong việc biểu diễn và phục vụ du lịch là một niềm vui, nhưng với một nghệ nhân tâm huyết, đó chưa phải là tất cả. Nỗi trăn trở lớn nhất của chị Hiền là làm sao để ngọn lửa đam mê hát Then không chỉ cháy trong thế hệ của chị, mà phải được trao truyền và bùng lên mạnh mẽ ở thế hệ tương lai.

“Là một người trẻ, tôi rất mong sẽ có thêm nhiều người cùng yêu, cùng giữ gìn hát Then. Và điều đó không nên bắt nguồn từ việc phải kiếm sống bằng nó thì mới học. Nếu chỉ học để mưu sinh, thì sẽ không thể thật sự cảm nhận và thấu hiểu được giá trị tinh thần sâu sắc của Then.

Với tôi, việc giữ gìn còn đi kèm với trách nhiệm lan tỏa - nghĩa là phải truyền dạy lại cho thế hệ sau. Tôi thấy hạnh phúc khi làm được điều đó, chứ không phải lúc nào cũng nặng lòng với chuyện cơm áo hay lợi ích vật chất”, chị Hiền bộc bạch đầy tâm huyết.

Suy nghĩ này cho thấy một tầm nhìn xa và tình yêu trong sáng với di sản. Chị hiểu rằng, để Then sống mãi, cần một cộng đồng thực hành vững mạnh, đặc biệt là những người trẻ. Nếu việc bảo tồn chỉ trông chờ vào các dự án của Nhà nước hay sự quan tâm của các nhà nghiên cứu thì sẽ không bền vững. Nó phải bắt nguồn từ chính sự yêu thích và tự nguyện của thế hệ kế cận.

Nói đi đôi với làm, chị Hiền đã biến trăn trở thành hành động cụ thể. Ban đầu, chị lựa chọn những người cùng chung sở thích, yêu văn hóa truyền thống, động viên họ tham gia luyện tập, xây dựng các tốp hát Then. Đến năm 2018, chị cùng với những người yêu thích hát Then đã thành lập Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính với 8 thành viên.

Đến nay, Câu lạc bộ đã có 29 thành viên với lứa tuổi từ 7 - 70 cùng chung niềm đam mê hát Then. Chưa dừng lại ở đó, chị Hiền đã mở một lớp dạy hát Then miễn phí vào mùa Hè cho các em nhỏ tại địa phương. Chị kiên trì truyền dạy cho các em từ những điều cơ bản nhất - không chỉ là cách cầm đàn, đánh nhịp, luyến láy đúng kỹ thuật, mà còn khơi mở cho các em hiểu sâu sắc giá trị tinh thần của từng làn điệu Then.

Với Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, quan trọng nhất không phải là hát đúng, mà là có hồn - điều chỉ có được khi người hát thấu hiểu nội dung và văn hóa ẩn sau từng câu chữ. “Khi các bạn ấy không hiểu, mình vẫn phải giải thích thật kỹ, giải nghĩa từng lời, chi tiết trong bài hát. Vì chỉ khi các bạn hiểu được câu chuyện, tâm tình trong đó thì mới có thể hát lên bằng cả trái tim”, chị Hiền tâm sự.

Hành trình của Đàm Thị Thanh Hiền, từ một cô gái Tày yêu tiếng đàn của mẹ, đến một nghệ nhân trình diễn chuyên nghiệp, và giờ đây là một người thầy truyền dạy đam mê, một hình mẫu tiêu biểu cho thế hệ trẻ đang nắm giữ vận mệnh của di sản. Họ nỗ lực để chứng minh rằng, văn hóa truyền thống và phát triển hiện đại không hề mâu thuẫn.

Ngược lại, khi được kết nối một cách hài hòa, sáng tạo, di sản sẽ trở thành một động lực mạnh mẽ, tạo ra cả giá trị tinh thần và vật chất, làm giàu thêm cho quê hương. Tiếng đàn Tính, giọng hát Then của chị Hiền vẫn sẽ còn vang vọng, không chỉ bên hồ Nà Nưa, mà còn lan tỏa xa hơn, như một lời mời gọi chân thành và quyến rũ, kể cho du khách thập phương câu chuyện về một miền đất giàu bản sắc văn hóa và chan chứa tình người.

Chị Hiền chia sẻ: Rất vui bởi khi tôi đăng bài dạy hát Then trên Facebook, nhiều phụ huynh và nhiều bạn trẻ đăng ký học. Điều đó cho thấy, sâu thẳm trong cộng đồng, khát khao kết nối với cội nguồn văn hóa vẫn luôn âm ỉ. Chỉ cần có người khơi dậy, người ‘truyền lửa’ tâm huyết, ngọn lửa ấy sẽ lại bùng cháy.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hon-then-vang-vong-tren-dat-thieng-post739140.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hon-then-vang-vong-tren-dat-thieng-post739140.html
Bài liên quan
'Hồi sinh' nghệ thuật truyền thống: Làm gì để 'giữ chân' người trẻ yêu văn hóa?
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của văn hóa đương đại, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở thành thách thức.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồn Then vang vọng trên đất thiêng