Giáo dục

Hợp tác trường học - doanh nghiệp: Thúc đẩy đổi mới và chuyển giao kiến thức

11/08/2024 11:51

Trong bối cảnh hiện nay, hợp tác doanh nghiệp với cơ sở GDĐH được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Cả nước có 243 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nên phần nào đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Lợi ích từ hợp tác

Nêu vấn đề hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới, PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Bộ GD&ĐT) cho hay, ở Việt Nam vấn đề này chưa được các chủ thể nhìn nhận thấu đáo và triển khai phù hợp. Một trong những minh chứng rõ nhất và dễ nhận thấy là sự mất cân đối cung - cầu nhân lực chất lượng cao trong thị trường. Hiện, Việt Nam thiếu lao động có tay nghề cũng như công nhân kỹ thuật bậc cao.

“Thời gian tới, nguồn cung nhân lực đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp được nhận định sẽ tiếp tục khan hiếm. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải liên kết, hợp tác với cơ sở GDĐH để tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao”, PGS.TS Lưu Bích Ngọc nhấn mạnh.

Nhìn nhận về lợi ích mang lại từ hợp tác đại học và doanh nghiệp, PGS.TS Lưu Bích Ngọc phân tích, về phía trường đại học, hợp tác với doanh nghiệp góp phần xây dựng mục tiêu, nội dung đào tạo phù hợp yêu cầu doanh nghiệp.

Hợp tác còn giúp nhà trường cải tiến tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo, góp phần tăng cường năng lực, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cũng như cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên thông qua hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Về phía doanh nghiệp, hợp tác giúp tiếp cận những kết quả nghiên cứu mới, cập nhật nhanh nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh; đồng thời giúp doanh nghiệp có hướng tuyển dụng, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh đơn vị.

Hợp tác đại học với doanh nghiệp còn giúp sinh viên có cơ hội lựa chọn địa điểm thực tập phù hợp, tạo điều kiện cho người học tiếp cận với hệ thống kiến thức mới nhất, củng cố kỹ năng làm việc. Hơn nữa là nâng cao khả năng tuyển dụng sau khi ra trường.

Việc hợp tác này cũng giúp sinh viên có cơ hội tìm kiếm học bổng, hoặc thêm thu nhập khi tham gia thực tập tại doanh nghiệp. Về phía xã hội, hợp tác trên giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước đầu tư cho GDĐH. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.

thuc day doi moi va chuyen giao kien thuc (1).jpg
Ngày 22/5/2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chứng kiến lễ trao thoả thuận hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp FDI. Ảnh: Trần Hiệp.

Đề xuất nhóm giải pháp

Dựa vào kinh nghiệm quốc tế cũng như phân tích bối cảnh thực trạng ở Việt Nam, PGS.TS Lưu Bích Ngọc cho rằng, cần quan tâm đến các nhóm giải pháp chính sách; trong đó nhấn mạnh đến cải thiện môi trường thông tin như: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý GDĐH (HEMIS); phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động (LMIS); xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy vết sinh viên tốt nghiệp; tạo cơ chế gắn kết giữa các hệ thống thông tin nêu trên dưới sự quản lý và điều phối của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, cần quan tâm đến chính sách tạo động lực giữa trường đại học và doanh nghiệp như: Hoàn thiện và tích cực tổ chức, triển khai Khung trình độ quốc gia; mở rộng các dự án tài trợ hiện có, thu hút chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích dự án nghiên cứu trên cơ sở hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp; thực hiện lập quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH giai đoạn mới với tầm nhìn chiến lược tới năm 2050.

Bên cạnh đó, cần có chính sách nâng cao năng lực cơ sở GDĐH như: Xây dựng và ban hành tài liệu hướng dẫn nâng cao năng lực quản trị của cơ sở GDĐH và doanh nghiệp; nâng cao năng lực cơ sở GDĐH và doanh ngiệp trong việc triển khai quan hệ đối tác công tư (PPP).

Cũng theo PGS.TS Lưu Bích Ngọc, cần có chính sách phát triển đại học tự chủ sáng nghiệp như: Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động đại học tự chủ sáng nghiệp; mở rộng quyền tự chủ đại học về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính. Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế đối với cơ sở GDĐH. Cùng đó, ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính trong việc triển khai xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau, bao gồm dự án đấu thầu, ODA, PPP...

Thời gian qua, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên luôn gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà Lê Thị Thương - Phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế cho hay, việc thiết lập các dự án nghiên cứu chung giữa trường đại học và doanh nghiệp FDI đã góp phần thúc đẩy đổi mới và chuyển giao kiến thức. Bằng cách tận dụng chuyên môn của các nhà nghiên cứu và nguồn lực của doanh nghiệp, chúng ta có thể giải quyết những thách thức đặc thù của ngành và thúc đẩy tiến bộ công nghệ.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo giữa doanh nghiệp FDI với cơ sở GDĐH”, ông Nguyễn Công Thủy - Giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự quốc tế Jobtest trao đổi, các công ty FDI mang đến Việt Nam không chỉ việc làm, mà cả công nghệ tiên tiến và chuyên môn trong ngành. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI có thể đồng hành và hợp tác chuyên sâu với cơ sở GDĐH để phát triển chương trình giảng dạy dựa trên kỹ năng và năng lực cụ thể, phản ánh nhu cầu thực tế của ngành.

Trên cơ sở đó, các trường đại học có thể điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp nhu cầu ngày càng tăng của các công ty FDI. Các chuyên gia từ doanh nghiệp FDI có thể được mời đến trường đại học để thuyết trình và tổ chức hội thảo. “Điều này, giúp sinh viên tiếp cận với xu hướng và thực tiễn mới nhất trong ngành, mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh”, ông Nguyễn Công Thủy nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất về mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở GDĐH trong nghiên cứu và đào tạo tại Australia, TS Greg McMillan - chuyên gia tư vấn GDĐH cho rằng, nên thành lập quỹ nghiên cứu chiến lược mới để khen thưởng các trường đại học sử dụng hiệu quả chuyên môn và năng lực nghiên cứu, cũng như ứng dụng kết quả nghiên cứu nhằm giải quyết những thách thức lớn của quốc gia do chính phủ, doanh nghiệp và các ngành kinh tế đặt ra. Đồng thời, xây dựng một lộ trình tài trợ toàn phần cho nghiên cứu khoa học và công nghệ các trường đại học.

Khuyến khích thành lập hội đồng cố vấn bao gồm doanh nghiệp nước ngoài cho các trường đại học địa phương cũng là giải pháp hữu hiệu. Ông Colin Blackwel - Trưởng nhóm Công tác nguồn nhân lực, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF) dẫn ví dụ, chẳng hạn như liên kết giữa các công ty công nghệ nước ngoài với các khóa học công nghệ của trường đại học địa phương. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể tư vấn chi tiết về nội dung khóa học và chia sẻ các yêu cầu công việc...

Bài liên quan
Tử vi thứ 5 ngày 5/9/2024 của 12 con giáp: Dậu hợp tác, Tuất mâu thuẫn
Xem tử vi hàng ngày 5/9/2024 của 12 con giáp, bạn sẽ biết các phương diện cuộc sống của mình biến động ra sao, có điểm gì đáng lưu ý.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp tác trường học - doanh nghiệp: Thúc đẩy đổi mới và chuyển giao kiến thức