Hướng đi nào cho các trường cao đẳng sư phạm?

13/12/2023, 13:51
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ năm 2030 sẽ không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng đa ngành. 

Đại diện các trường cao đẳng sư phạm cho rằng, đề xuất này phù hợp thực tiễn khách quan, tránh lãng phí nguồn lực.

Xu thế tất yếu

Theo dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (dự thảo), từ năm 2030 sẽ không còn đào tạo giáo viên tại các trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng đa ngành.

Theo đó, các trường này có thể sáp nhập vào trường đại học sư phạm/cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên trong vùng, hoặc sáp nhập vào cơ sở giáo dục đại học tại địa phương. Điều này đồng nghĩa sau 2030 chỉ tổ chức đào tạo giáo viên tại các cơ sở giáo dục đại học.

Cho rằng, phương án trên hợp lý, tránh lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực; đồng thời phát huy được nội lực của các trường, ThS Nguyễn Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho hay, hiện các trường cao đẳng sư phạm chỉ đào tạo ngành Giáo dục mầm non.

“Đơn cử, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk đang đào tạo khoảng 300 sinh viên ngành Giáo dục mầm non, trong khi đó, nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm. Điều này dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất, dôi dư đội ngũ giảng viên. Thực tiễn này cho thấy, việc sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm là cần thiết và là xu thế tất yếu”, ThS Nguyễn Ngọc Thành nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk thông tin, tỉnh đã có chủ trương sáp nhập trường vào Trường ĐH Tây Nguyên. Dự kiến 1/6/2024 sẽ hoàn thành sáp nhập. Khi đó toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, diện tích đất đai, đội ngũ viên chức, người lao động, người học của nhà trường được giữ nguyên.

“Hy vọng, khi sáp nhập vào Trường ĐH Tây Nguyên, chúng tôi được tuyển sinh, đào tạo giáo viên từ mầm non đến THCS cho tỉnh Đắk Lắk và các vùng lân cận”, ThS Nguyễn Ngọc Thành bày tỏ và kỳ vọng, trong tương lai, khi Trường ĐH Tây Nguyên trở thành đại học vùng thì Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk có thể xây dựng đề án để trở thành trường đại học thành viên.

Hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp lớp của Khoa Giáo dục mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) dịp 20/11/2023. Ảnh: Website của trường
Hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp lớp của Khoa Giáo dục mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) dịp 20/11/2023. Ảnh: Website của trường

Bài toán sáp nhập hay giải thể?

Không thể để một trường tồn tại với nhiệm vụ đào tạo duy nhất một ngành vì quá lãng phí và không phù hợp thực tiễn, TS Trương Đình Thăng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nêu quan điểm khi đề cập đến dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo lần này là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các trường sư phạm. Từ đây, buộc các trường phải tư duy, xây dựng chiến lược với định hướng rõ ràng: Sáp nhập để nâng cấp và trở thành trường vệ tinh như trong dự thảo đề cập hoặc là giải thể.

“Theo chủ trương, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị sẽ nhập vào phân hiệu của Đại học Huế tại Quảng Trị để trở thành trường đại học thành viên của đại học này”, TS Trương Đình Thăng thông tin, đồng thời nhìn nhận, nếu các trường cao đẳng sư phạm sáp nhập trở thành vệ tinh của một trường đại học hoặc phát triển thành trường đại học đa ngành sẽ không lãng phí nguồn lực. Theo đó, các trường tận dụng, phát huy hiệu quả hơn về cơ sở vật chất, nhân sự… so với mô hình cao đẳng sư phạm ở thời điểm hiện tại.

Về việc sắp xếp, tổ chức lại các trường cao đẳng sư phạm là hợp lý, TS Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội) đồng tình với chủ trương quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; trong đó có dự thảo nêu trên. Nhìn vào thực tế, cả nước thiếu hàng chục nghìn giáo viên mầm non. Do đó, nếu đào tạo giáo viên mầm non ở trình độ đại học sẽ lãng phí vì Luật Giáo dục 2019 yêu cầu trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là cao đẳng.

“Vì thế, cần xem xét cho phép các trường đại học sư phạm, trường đại học có đào tạo giáo viên được đào tạo hệ cao đẳng đối với ngành Giáo dục mầm non”, TS Trịnh Thị Xim đề xuất, đồng thời đặt vấn đề, nên chăng tính đến phương án sáp nhập 3 trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh) thành một cơ sở giáo dục đại học để đào tạo giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non.

Hiện, cả nước còn hơn 20 trường cao đẳng sư phạm Trung ương và địa phương. Các trường này đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí có trường ở thế “cầm cự”. Từ thực tế này, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng, tìm hướng đi mới cho các trường cao đẳng sư phạm rất cấp thiết.

Một trong các giải pháp là thực hiện sắp xếp lại các trường cao đẳng sư phạm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Giải pháp này phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn sự nghiệp công lập.

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, sắp xếp lại các trường cao đẳng sư phạm như thế nào còn phụ thuộc vào thực trạng của cơ sở giáo dục đào tạo và tình hình kinh tế, xã hội từng địa phương.

“Không nên “xóa sổ” các trường cao đẳng sư phạm nhưng các trường ở địa phương có thể thực hiện sáp nhập vào trường đại học trên cùng địa bàn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác đào tạo cũng như các hoạt động khác”, TS Lê Viết Khuyến trao đổi.

ThS Nguyễn Ngọc Thành kiến nghị, nếu phương án trong dự thảo trên đề xuất được thông qua thì cần tính đến giải pháp “mở cửa” cho trường đại học được phép đào tạo hệ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, nhằm đáp ứng nhu cầu của người học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đi nào cho các trường cao đẳng sư phạm?