Theo nhận định của ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, công tác hướng nghiệp tại các trường THPT có nhiều khởi sắc. Nhiều trường chủ động hơn trong tổ chức hoạt động hướng nghiệp thông qua lồng ghép vào môn học hoặc chung toàn trường. Có trường lại phối hợp cùng cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, doanh nghiệp định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Trường lại mời chuyên gia trực tiếp tư vấn, giải đáp thắc mắc cho học sinh về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo ông San, hoạt động hướng nghiệp hiện nay chưa đạt hiệu quả mong muốn bởi nhiều nguyên nhân, từ chính học sinh, gia đình, nhà trường. Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp khi tham gia với trường phổ thông chủ yếu hướng tới mục đích tuyển sinh, chưa hoàn toàn mang tính phục vụ cộng đồng. Trường THPT chưa có nhiều chương trình, hoạt động chuyên sâu hướng nghiệp hay thành lập bộ phận tư vấn nghề nghiệp cho học sinh mà chủ yếu hoạt động chung, quy mô toàn khóa, toàn trường.
Điều này dẫn đến kết quả chỉ mang tính gợi mở về hướng nghiệp mà chưa tới đích là giúp học sinh chọn nghề phù hợp. Gia đình, học sinh cũng chưa hiểu biết nhiều về hướng nghiệp, dẫn đến lựa chọn con đường học tập, nghề nghiệp theo sở thích cá nhân và tâm lý trọng bằng cấp, chưa tính đến các yếu tố thuộc về năng lực cá nhân cũng như nhu cầu xã hội.
Để công tác hướng nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả, ông Nguyễn Vinh San cho rằng, không thể làm theo kiểu phong trào mà cần đưa vào chương trình năm học của các lớp. Trong đó hướng nghiệp cần có lộ trình và làm từ các cấp học thấp hơn như THCS.
Các trường có thể bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về hướng nghiệp và tư vấn lựa chọn nghề nghiệp, có điều kiện mời các chuyên gia càng tốt. Học sinh có thể được làm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Giáo viên sử dụng kết quả này kết hợp quá trình theo dõi hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh tại trường, cùng đó là sự tham gia của phụ huynh trong buổi hướng nghiệp của lớp.
Với thông tin về sở thích, năng lực cá nhân, điều kiện gia đình, kết quả trắc nghiệm nghề nghiệp có thể cung cấp cho học sinh và gia đình thông tin tin cậy để đưa ra định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ngành LĐ-TB&XH nếu cung cấp thêm thông tin về nhu cầu việc làm hàng năm sẽ rất tốt cho công tác hướng nghiệp…
Với sĩ tử chuẩn bị chọn ngành, nghề năm nay, ông Nguyễn Vinh San lưu ý nên cân nhắc lựa chọn nghề nghiệp gắn với một số yếu tố: Sở thích nghề nghiệp, năng lực cá nhân, điều kiện gia đình, nhu cầu xã hội. Các em cân nhắc kỹ về năng lực thực sự của mình thay vì chọn cảm tính theo sở thích, bởi sở thích có thể thay đổi theo thời gian. Ưu tiên chọn ngành thay vì chọn trường. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh theo xu hướng vào trường đại học danh tiếng, bất kể ngành học nào, điều này dẫn tới việc chán nản do ngành học không phù hợp.