Một ngày làm nhân viên cứu hỏa của học sinh Singapore. Ảnh: IT |
Đưa môn học đến gần cuộc sống
Tại Canada, học sinh bắt đầu được định hướng nghề nghiệp từ lớp 10. Bên cạnh các môn như Toán, Tiếng Anh, Khoa học Xã hội, Giáo dục Thể chất... học sinh có thể đăng ký các môn tự chọn dựa trên định hướng nghề nghiệp, năng khiếu, sở thích như kinh doanh, mỹ thuật, các kỹ năng ứng dụng (Applied Skills)...
Ở quốc gia này, mỗi địa phương sẽ xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp khác nhau, tuỳ thuộc theo điều kiện kinh tế, giáo dục. Ví dụ, tại tỉnh Ontario, môn Nghiên cứu Nghề nghiệp được đưa vào chương trình phổ thông bắt buộc từ năm lớp 10. Còn tỉnh Manitoba xây dựng 4 khóa học giáo dục nghề nghiệp không bắt buộc từ lớp 9 đến 12.
Một số nơi khác yêu cầu học sinh trước khi tốt nghiệp cần tham gia làm từ thiện, tình nguyện tại trường hoặc các trung tâm xã hội trong một số giờ tối thiểu. Đơn cử, làm tình nguyện viên tại trung tâm dưỡng lão, cô nhi viện hay làm văn thư trong văn phòng trường. Những công việc này không chỉ giúp học sinh trải nghiệm thực tế mà còn được tìm hiểu về một số nghề nghiệp cụ thể.
Tại Anh, Bộ Giáo dục yêu cầu các trường phổ thông phải hướng nghiệp cho học sinh từ lớp 8 đến lớp 13, tương đương 12 - 18 tuổi. Bên cạnh các chương trình hội chợ việc làm, tư vấn nghề nghiệp, Bộ Giáo dục khuyến khích giáo viên lồng ghép hướng nghiệp vào bài học.
Ví dụ, Học viện Bourne, thành phố Bournemouth, dạy học sinh cách viết thư tín thương mại trong môn Tiếng Anh lớp 10, 11. Trường Trung học Friern Barnet, London, tận dụng mạng lưới cựu học sinh để kết nối với các nhà tuyển dụng và xây dựng chương trình trải nghiệm việc làm cho học sinh trong một tuần.
Hầu hết phụ huynh Anh tôn trọng và ủng hộ định hướng nghề nghiệp của con vì từ khi học phổ thông, họ đã khuyến khích trẻ tìm hiểu về ngành nghề, tham gia các hoạt động xã hội. Trước khi con chọn trường, ngành, phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập và trẻ có thể cùng nhau thảo luận để tìm ra phương hướng tốt nhất.
Ông Tristram Hooley, Giám đốc Công ty tư vấn nghề nghiệp Career & Enterprise, Anh, cho biết: “Giáo viên bộ môn cần tìm cách đưa hướng nghiệp vào chương trình giảng dạy để mang môn học đến gần hơn với cuộc sống, tạo kết nối giữa học tập và nhu cầu của học sinh. Tại Anh, chúng tôi muốn tất cả học sinh phổ thông đều có kinh nghiệm làm việc”.
Là quốc gia chú trọng giáo dục nghề nghiệp, từ tiểu học, học sinh Đức được dạy rằng “nghề nghiệp nào cũng quan trọng và được tôn trọng như nhau”. Trên lớp, học sinh được thảo luận về tính bình đẳng và tôn trọng các nghề, tìm hiểu và phân biệt loại hình công việc... Nhìn chung, ở độ tuổi này, giáo viên sẽ giúp các em nâng cao nhận thức về ngành nghề.