Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu năm học 2022-2023, trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng cũng đã chủ động mua SGK phục vụ cho học sinh khối lớp 3 được trang bị tại Thư viện, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho học sinh, tạo thuận lợi trong quá trình giảng dạy của giáo viên.
“Điều cần nhất lúc này là sớm hoàn thành việc xây dựng khu nhà ăn, nhà ở bán trú cho học sinh, qua đó tạo thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mới”, cô Nguyệt nói.
Theo ông Nguyễn Minh Anh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, khó khăn của Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng là khó khăn chung của ngành giáo dục huyện nhà.
Bên cạnh đó, có thể kể đến tồn tại như thiếu giáo viên ở môn Tin học và Công nghệ, giáo viên thường xuyên xin thuyên chuyển về các trường ở đồng bằng, cơ sở vật chất chưa đầu tư kịp thời…
Thời gian tới, Phòng GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện các chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên để đảm bảo không bỏ sót đối tượng. Tiếp tục phối hợp toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác vận động học sinh đến lớp…
Một giờ học Tin học của học sinh lớp 4 Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng. |
Theo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, trong thực hiện Chương trình mới, tỉnh có những hạn chế như chỉ tiêu biên chế được Nhà nước giao chưa đủ và đáp ứng nhu cầu thực tế, song phải thực hiện cắt giảm biên chế hàng năm từ 1,5 đến 2%.
Việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đồng thời với Luật Giáo dục 2019 về đào tạo chuẩn trình độ cho giáo viên nên bị ảnh hưởng vì giáo viên vừa phải đi dạy vừa phải đi học. Cơ sở vật chất còn thiếu, nhất là với khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Một số địa phương còn thiếu phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT không đủ giáo viên do các trường đào tạo không tuyển sinh được sinh viên đáp ứng nhu cầu,…
Ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay, thời gian qua Sở đã thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc các yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với Chương trình GDPT mới.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đã chủ động tiến hành xây dựng kế hoạch giáo dục, chương trình nhà trường,… thực hiện Chương trình GDPT 2018 phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị.
“Sở GD&ĐT phối hợp các sở, ngành liên quan dự thảo Nghị quyết tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định nội dung và mức chi cho hoạt động lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tổ chức thi tuyển dụng một số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Kế đến, sẽ kết hợp số giáo viên trên với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật bậc THCS có trình độ Đại học trở lên để thành lập hội đồng chọn sách, hỗ trợ cho các trường”, ông Thái cho biết.
Quảng Ngãi đã hoàn thành việc biên soạn, thẩm định, chỉnh sửa theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, tổ chức tập huấn và đưa vào giảng dạy đối với các tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Và đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 8 và lớp 11.