Theo ông Lê Thanh Dũng, nguyên nhân cốt lõi chính là việc người dân tự phát chuyển dịch làm kinh tế, đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa để nuôi tôm khiến cho môi trường sống của các loại cá đồng dần càng bị thu hẹp.
Một thực tế đáng buồn đang diễn ra là phần lớn diện tích vùng sản xuất ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đều đang bị nhiễm mặn. Ngay tại khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ, một trong ba vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau, “thủ phủ” của các loại cá đồng, nơi vốn được bảo vệ nghiêm ngặt cũng đang bị nước mặn tấn công.
Có thời điểm ngành chức năng đo được độ mặn thẩm thấu đến Vườn quốc gia U Minh Hạ từ 4 - 6 phần ngàn. Với độ mặn thế này về lâu dài có thể gây chết cây rừng và cá đồng. “Có thể xem, việc chuyển dịch tự phát ồ ạt sang nuôi tôm chính là “chiến dịch” tàn sát cá đồng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay”, ông Lê Thanh Dũng nhận định.
Cảnh bắt cá đìa khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ. |
Một buổi chụp đìa khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ. |
Người dân sử dụng xung điện tận diệt cá. |
Liên quan đến việc nguồn lợi cá đồng vùng U Minh Hạ ngày càng suy giảm nghiêm trọng, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Thời gian qua ngành Nông nghiệp cũng đã tích cực phối hợp với lực lượng công an, chính quyền các địa phương triển khai rất nhiều giải pháp bảo vệ nguồn lợi cá đồng.
Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo vệ, gìn giữ nguồn lợi cá đồng, không khai thác theo hình thức tận diệt và vận động người dân tự giác giao nộp dụng cụ bình xiệt cá và tham gia cung cấp thông tin, tố giác tội phạm.
Song song đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm. “Công tác này sẽ được duy trì đẩy mạnh hơn trong thời gian tới, cùng với đó là việc quy hoạch lại khu vực nuôi, tái tạo, bảo tồn nguồn cá đồng hợp lý”, ông Châu Công Bằng nhấn mạnh.
Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung, cá đồng nói riêng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị nêu rõ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ và ngành nghề khai thác có tính hủy diệt, tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Xác định nhiệm vụ ngăn chặn khai thác thủy sản có tính hủy diệt là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới chấm dứt tình trạng này, nhằm bảo vệ, phục hồi, phát triển nguồn lợi thủy sản.
“Từ một vùng đất giàu nguồn lợi cá đồng được thế giới biết đến, cả nước ngưỡng mộ, ngày nay, thực khách đến các điểm chợ trên địa bàn tỉnh Cà Mau tìm mua một con cá đồng đúng nghĩa trong tự nhiên có trọng lượng lớn đã là chuyện khó, dù có thì giá cả cũng rất cao, bởi cá đồng đã thuộc dạng quý hiếm. Hy vọng sự quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ giúp vùng đất U Minh Hạ phần nào phục hồi được nguồn lợi cá đồng, một loại đặc sản nổi tiếng mà khách du lịch đều mong được thưởng thức khi đến vùng đất tận cùng Tổ quốc” - ông Đặng Văn Nhãn mong mỏi.