Các bác sĩ nhận định, người đàn ông này có thể bị đinh sắt bắn vào cổ khi làm việc mà không biết.
Trường hợp anh T.H.C (43 tuổi, trú tại Thụy Vân, Việt Trì) bất ngờ khi được bác sĩ thông báo nghi ngờ có dị vật cắm sâu ở vùng cổ bên phải. Bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân đi chụp CT, kết quả khẳng định có dị vật phần mềm vùng cổ.
Dị vật cắm sâu ở vùng cổ.
Anh C cho biết, anh không thấy biểu hiện bất thường ở cổ nên không đi khám bệnh. Trước năm 2009, anh C. từng làm nghề cơ khí tại TP.HCM. Các bác sĩ nhận định, người đàn ông này có thể bị đinh sắt bắn vào cổ khi làm việc mà không biết.
Ngày 24/6, bệnh nhân được phẫu thuật mở cạnh cổ lấy dị vật ra khỏi cơ thể. Dị vật được lấy ra là chiếc đinh kim loại trong trình trạng rỉ sét, được bao bọc bởi tổ chức xơ với kích thước khoảng 2,5 cm. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định, dự kiến được xuất viện trong vài ngày tới.
Theo Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Thế Đạt, Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng - Mắt - Răng hàm mặt, BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ, chiếc đinh rất nhỏ, tưởng chừng vô hại nhưng có thể gây ra thương tích nặng cho người lao động, thậm chí cướp đi cả tính mạng.
Đây là trường hợp khá đặc biệt vì người bệnh không biết thời gian xuất hiện dị vật và cũng không cảm nhận được chiếc đinh nằm trong vùng cổ.
Bác sĩ Đạt cho biết thêm, may mắn dị vật nằm sâu giữa cơ ức đòn chũm và cơ vai móng, không làm tổn thương các mạch máu lớn nên không đe dọa đến tính mạng. Dị vật tồn tại trong cơ thể một thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng, nên việc phẫu thuật lấy ra là cần thiết.
Qua đây, bác sĩ khuyến cáo người lao động nên trang bị dụng cụ bảo hộ đầy đủ để tránh những sự cố rủi ro hoặc tai nạn bất ngờ. Đồng thời, việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm là rất quan trọng, người lao động sẽ biết được tình trạng cơ thể và tìm ra các bệnh lý bất thường, từ đó có phương án điều trị kịp thời.