"[Thủ tướng Lý Cường] rất hài lòng. Ông ấy nói chất lượng tương đương với tàu ở Trung Quốc", Bộ trưởng Luhut nói, theo hãng tin Reuters.
Bộ trưởng Luhut nói thêm với các phóng viên rằng, hai nước đang đàm phán về khả năng mở rộng tuyến đường sắt tới Surabaya, thành phố lớn thứ hai của Indonesia và phía Trung Quốc rất ủng hộ kế hoạch này.
Đây hiện là tuyến đường sắt nhanh nhất ở Đông Nam Á, với các đoàn tàu đạt tốc độ tối đa 350 km/h.
Tuyến đường sắt nhanh nhất trước đây của khu vực là một tuyến khác do Trung Quốc xây dựng, nối Côn Minh (Vân Nam) với Lào, có tốc độ tối đa 160 km/h.
Các đoàn tàu mới sẽ đi qua 4 tỉnh trên đảo Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia, với tổng cộng 13 đường hầm và 56 cây cầu được xây dựng cho dự án.
Tuyến đường hợp tác đôi bên cùng có lợi
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, một trong những bên xây dựng, cho biết tuyến đường này tránh được "địa lý không thuận lợi" như núi lửa và được điều chỉnh để phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Indonesia cũng như được trang bị để đối phó với động đất, lũ lụt và các tình huống khẩn cấp khác.
Nhà thầu Trung Quốc cũng mô tả tuyến đường này là một "dự án mang tính bước ngoặt về hợp tác thực tế giữa Trung Quốc và Indonesia", áp dụng công nghệ Trung Quốc và tuân thủ các tiêu chuẩn của Trung Quốc.
"Các đơn vị tham gia của Trung Quốc và Indonesia đã học hỏi đầy đủ kinh nghiệm thành công của Trung Quốc trong xây dựng đường sắt cao tốc, tuân thủ khái niệm bảo vệ sinh thái và môi trường… đồng thời thúc đẩy việc xây dựng dự án một cách khoa học, trật tự, chất lượng cao và hiệu quả", tuyên bố của tập đoàn cho hay.
Theo China Railway, trong khi Ngân hàng Phát triển Trung Quốc chịu trách nhiệm cung cấp 75% nguồn vốn thìcác nguyên liệu thô như xi măng phần lớn được sản xuất ở Indonesia. Dự án được cho đã tạo ra 51.000 việc làm ở nước này.
Ông Lục Khảng, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, nói với tờ báo Thời báo Hoàn cầu rằng: "Đường sắt Jakarta-Bandung sẽ trở thành con đường phát triển, sinh kế của người dân và là con đường dẫn đến kết quả đôi bên cùng có lợi".