TS Praptono, Thư ký Tổng cục Giáo dục Mầm non, Giáo dục Cơ bản và Giáo dục Trung học Indonesia, cho biết: “Từ dữ liệu chúng tôi có, mỗi khi thảm họa xảy ra, nó cũng tác động đến lĩnh vực giáo dục”.
Indonesia hiện có hơn 500 nghìn trường học với hơn 60 triệu học sinh và 5 triệu nhân viên giáo dục. Trong đó, 78% đơn vị giáo dục, tương đương 413 nghìn trường học, có nguy cơ hứng chịu động đất. 38%, tương đương 202 nghìn trường học, có nguy cơ bị lũ lụt. 9%, tương đương 49 nghìn trường học, đối mặt với tình trạng sạt lở đất.
Bên cạnh đó, các thảm họa như sóng thần, núi lửa phun trào, lũ quét... cũng ảnh hưởng đến hàng nghìn trường học trên toàn quốc.
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia, trong 15 năm qua, hơn 15 nghìn trường học đã hứng chịu thiệt hại do thiên tai. Tác động của thiên tai lên trường học ở nhiều khía cạnh như hư hỏng cơ sở hạ tầng, gián đoạn khả năng tiếp cận giao thông, trang thiết bị học tập bị hư hỏng, học sinh phải nghỉ học...
Do đó, trong kế hoạch phát triển trung hạn quốc gia giai đoạn 2020 – 2024, Chính phủ Indonesia xây dựng văn hóa nhận thức về thảm họa cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học.
“Hy vọng trường học Indonesia có thể phát hiện các mối đe dọa và dự đoán trước về các thảm họa có thể xảy ra”, TS Praptono nói.
Theo VOI