Với các trường ĐH, từ việc chỉ có một lựa chọn tuyển sinh là kết quả kì thi 3 chung, đến nay, đã có tới ít nhất 20 phương thức được các trường sử dụng để lựa chọn những thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo.
Trước 2015, chỉ tiêu do Bộ GD&ĐT xác định. Nhưng từ 2015, khi các trường được giao quyền tự chủ, việc mở ngành, tự xác định chỉ tiêu nằm trong tay các trường. Bộ GD&ĐT chỉ ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí và “hậu kiểm”. Như vậy “quyền lực” của Bộ chỉ dừng đúng ở quản lí cấp nhà nước, không còn tình trạng “xin – cho” như trước đây. Quyền của các trường ĐH được tăng lên.
Với thí sinh, thay vì dự ít nhất 2 kì thi cấp quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và thi 3 chung thì chỉ còn phải dự 1 kì thi THPT quốc gia (hiện nay là thi tốt nghiệp THPT) và tham gia tự nguyện một số kì thi riêng của các trường ĐH tổ chức để lấy kết quả xét tuyển. Thí sinh có thể biết được cơ hội trúng tuyển ĐH trước khi dự thi tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, giảm chi phí, giảm thời gian, và đặc biệt là giảm áp lực tâm lí cho thí sinh.
Quan trọng hơn, thí sinh được lựa chọn những ngành học mình yêu thích để theo học, thay vì việc tìm mọi cách để có được 1 cơ hội trúng tuyển ĐH.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thí sinh cũng gặp một số khó khăn khi tuyển sinh từng bước đổi mới như nhầm lẫn phương thức xét tuyển dẫn đến việc nhiều thí sinh phải cầu cứu Bộ GD&ĐT. Những hạn chế này đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh.