Đến với tuần sinh hoạt công dân, sinh viên được chia sẻ về tình hình tội phạm hiện nay và một số dạng vi phạm pháp luật phổ biến trong sinh viên. Các em được biết thêm về các dạng và tác hại của ma túy, cách phòng chống tội phạm ma túy; kiến thức về vi phạm an toàn giao thông, Luật Giao thông đường bộ, an ninh mạng và tội phạm an ninh.
Tuần sinh hoạt công dân là hoạt động giúp các tân sinh viên hòa nhập, làm quen với môi trường đại học, hiểu rõ hơn về trường mình học. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc tổ chức cần phong phú về nội dung, hấp dẫn về hình thức tổ chức. TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - nhấn mạnh tuần sinh hoạt công dân nên tập trung vào các chủ đề thiết thực, gần gũi với tân sinh viên. Chẳng hạn như: Cách xây dựng kế hoạch học, phát triển kỹ mềm…
Đồng quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học nên đổi mới hình thức tổ chức tuần sinh hoạt công dân. Theo đó, tăng cường tương tác giữa sinh viên và cán bộ, giảng viên. Muốn vậy, việc tổ chức nên theo hướng mở, lồng ghép một số hoạt động giải trí. Nội dung các câu hỏi xoay quanh các chủ đề về trường, việc học tập, kỹ năng ứng xử… nhằm thu hút đông đảo sinh viên tham gia.
Ngoài ra, nếu có thể, nên tổ chức một số hoạt động mang tính chất sân khấu hóa nhằm truyền tải những nội dung quan trọng. “Các trường đại học cũng nên bám sát yêu cầu, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” năm học 2023 – 2024, nhằm đảm bảo đúng và trúng mục đích” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ gợi mở.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về việc tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” trong các cơ sở đào tạo năm học 2023 - 2024. Theo đó, Bộ yêu cầu các trường giới thiệu về ngành, nghề, chương trình đào tạo, công tác tư vấn học đường cho sinh viên; hướng dẫn sinh viên tham gia các câu lạc bộ, hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ, hoạt động vì cộng đồng, xã hội; các chương trình, hoạt động của cơ sở đào tạo.
Đồng thời hướng dẫn sinh viên phương pháp học đại học hiệu quả; kỹ năng hội nhập trong môi trường mới, kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Tổ chức các hoạt động cho sinh viên thi đua học tập, rèn luyện; khơi dậy ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Các trường cần tổ chức giáo dục cho sinh viên về truyền thống, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, việc làm; kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làm việc nhóm, quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, phát triển, nhận thức, xã hội, quản lý cảm xúc, viết hồ sơ xin việc…
Căn cứ vào điều kiện, đặc điểm cụ thể ở đơn vị, các cơ sở đào tạo chủ động lựa chọn hình thức tổ chức (trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp cả 2 hình thức) để đảm bảo triển khai hiệu quả và thuận lợi cho báo cáo viên, sinh viên. Tích hợp các nội dung nêu trên với các hoạt động ngoại khóa, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tham quan các di tích lịch sử, cách mạng; tiết sinh hoạt Đoàn - Hội hàng tháng.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo đánh giá và công nhận việc hoàn thành “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” cho sinh viên. Kết quả tham gia “Tuần sinh hoạt công dân - sinh viên” là tiêu chí đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên trong năm học 2023 - 2024.